Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần giải quyết 5 vấn đề

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc khóa XIV, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đóng góp một số ý kiến về những hạn chế, bất cập trong giải pháp phát triển ngành nông nghiệp cho những tháng còn lại của năm 2017 và tiền đề cho năm 2018.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải có vốn lớn. Nguồn: internet

9 tháng đầu năm, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,78%. Điều gì đã tạo nên mức tăng trưởng ngoạn mục như vậy, trong khi những năm qua ngành nông nghiệp luôn gặp khó khăn, có quý tăng trưởng âm?

Câu chuyện đặt ra là tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã thực chất chưa?

Theo đại biểu So, trước tiên cần tổng kết, đánh giá hiệu quả và tính ổn định lâu dài trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thời gian qua, từ đó đưa ra định hướng phù hợp. Năm 2017 nhờ chuyển đổi một số diện tích nông, lâm sang nuôi trồng thủy sản, giúp ngành này đạt tăng trưởng mức 4,9%. Tuy nhiên, đây đã phải là hướng đi đúng và an toàn chưa? Vì sản xuất thủy sản phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, trong khi công tác quy hoạch chưa tốt, đầu ra đang gặp khó khăn, hàng rào kỹ thuật, thuế quan. Việc Mỹ áp dụng Luật Nông trại nên cánh cửa cá tra vào thị trường Mỹ gặp khó.

Việc xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn là định hướng đúng. Tuy nhiên, cần xác định chỉ tiêu cụ thể để thị trường sản phẩm, quy mô đặc trưng địa lý mới có thể triển khai hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh, cần tập trung giải quyết năm vấn đề:

Thứ nhất, lựa chọn đúng sản phẩm, khâu đột phá cho quy trình và công nghệ cao để đáp ứng, áp dụng thích hợp, tránh tình trạng chạy theo những công nghệ cao đắt đỏ, gây nợ nần và rủi ro cao nhưng không thiết thực, không đạt hiệu quả phát triển bền vững.

Thứ hai, trong sản xuất nông nghiệp, giống là khâu then chốt, mang giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm, nhưng nước ta lại chưa phát triển giống tốt. Hiện, mỗi năm chúng ta phải chi 5 triệu USD để nhập giống cây trồng, vật nuôi. Nhưng trong 15 năm qua, cả nước mới chỉ có 270 giống được bảo hộ. Đã đến lúc phải quan tâm thực sự đến khâu giống. Cần đầu tư thích đáng cho nghiên cứu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xã hội công tác làm giống trên nguyên tắc nhà nước giữ vai trò quản lý, việc nghiên cứu sản xuất giống do doanh nghiệp, nhân dân và nhà khoa học làm. Bên cạnh nhập khẩu, lai tạo giống mới, cần tập trung hàng bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý trong nước để đảm bảo an ninh, an toàn, chủ động cho nguồn gen chất lượng cao.

Thứ ba, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải có vốn lớn, nhưng hiện dòng vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp rất thấp. Ngành nông nghiệp đang đóng góp 18% GDP nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt 5% GDP. Trong khi Hàn Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 2% GDP, nhưng đầu tư cho nông nghiệp gấp 3 lần, bằng 6% GDP. Các chính sách tín dụng trong nông nghiệp ban hành nhưng khó tiếp cận bởi điều kiện cho vay ngặt nghèo, sản xuất nông nghiệp luôn trong tình trạng đói vốn.

Do vậy, cần sớm thực hiện những quy định, luật lệ hỗ trợ đảm bảo tính khả thi của chính sách, cải cách môi trường đầu tư có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Chuyển chủ thể tính từ nông hộ sang doanh nghiệp, sớm triển khai các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường sự liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng.

Thứ tư, sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì sử dụng phân bón hữu cơ là chìa khóa để phát triển một nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Hiện, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, 90% là hóa học. Trong khi đó hàng năm, chất thải của ngành nông nghiệp vào khoảng 65 triệu tấn. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách nhất quán, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, tuyên truyền sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học, nâng cao dinh dưỡng cho cây trồng, góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ năm, xây dựng cơ chế chính sách, quy trình phù hợp để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tổng kết đánh giá các mô hình đã triển khai làm căn cứ thực tiễn để đề xuất những giải pháp đảm bảo tính khả thi.

Ngoài ra, đổi mới tư duy cho thị trường theo hướng lấy thị trường làm thước đo mục tiêu phát triển sản phẩm, quy hoạch thị trường cho các loại sản phẩm nông sản. Ví dụ, đối với thị trường sản phẩm chăn nuôi chỉ cần hai loại sản phẩm chính trong đó sản phẩm đặc sản chỉ nên 1-2% và được sản xuất từ các giống bản địa, còn để lại giải quyết nguồn thực phẩm động vật thì ngành chăn nuôi công nghiệp bằng các loại giống cao sản đóng góp vai trò chính trong tỷ trọng.

Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp để làm chính sách thị trường nhằm lợi dụng lợi thế cạnh tranh, trước mắt có thể xây dựng chương trình hành động, ghi nhận cơ chế nghiên cứu, xác định thị trường mục tiêu là cơ hội, điều kiện nông sản Việt, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm cho vùng khí hậu, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất kiểu mẫu theo quy trình chuẩn, ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực liên kết chuỗi giá trị liên kết thị trường nông sản vốn là ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 và sản xuất nông nghiệp thông minh là lựa chọn tất yếu.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta với đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hạ tầng cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ lao động thấp. Do đó, cần phải lựa chọn đúng quy mô, ngành hàng đáp ứng yêu cầu về công nghệ thị trường hiệu quả thay vì áp dụng phong trào, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về vốn đào tạo nhân lực phát triển thương hiệu.

Có như vậy mới xây dựng thành công nền công nghiệp 4.0 và nông nghiệp Việt Nam không còn bị lỡ chuyến tàu hội nhập như thời gian qua.

Theo D.T/kinhtenongthon.com.vn