Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 27/10/2014 00:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, ở nhiều địa phương, mô hình cánh đồng liên kết sản xuất đã mang lại những hiệu quả ưu việt, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết: “Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích lúa liên kết với doanh nghiệp trên 17.000ha, sản lượng tiêu thụ trên 71.000 tấn. Với mỗi ký lúa cao hơn giá thị trường vài trăm đồng đã mang về giá trị tăng thêm từ cánh đồng liên kết là 28 tỷ đồng. Một con số không nhỏ đối với người nông dân tham gia sản xuất”.
Đối với cây ăn trái, đặc biệt là xoài Cao Lãnh, thông qua việc sử dụng GlobalGAP và kỹ thuật ra hoa rải vụ đáp ứng những yêu cầu khắc khe của thị trường, từng bước gõ cửa được cả thị trường ngoài nước. Hàng năm, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 tấn trái.
Đối với hoa, cây kiểng từng bước gắn sản xuất theo chiều sâu kết hợp với du lịch. Vừa qua, tỉnh đã đầu tư Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nhân giống hoa, cây kiểng, giống cây ăn trái và giống một số hoa màu, cây công nghiệp chủ lực khác. Theo đó, tỉnh liên kết hợp tác với Hà Lan nhằm cung cấp và trao đổi kiến thức kỹ thuật, ươm trồng bảo quản và vận chuyển hoa kiểng theo mô hình của nước bạn nhằm nâng cao giá trị các loại hoa kiểng trên thương trường nội địa và xuất khẩu.
Đối với ngành chăn nuôi gia súc và thủy sản, tỉnh đẩy mạnh từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi, chủ động phòng, chống dịch bệnh, gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ xuất khẩu, bảo vệ môi trường sinh thái. Chỉ tiêu đến năm 2020, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 96.000 tấn. Riêng diện tích nuôi trồng thủy sản sẽ đạt trên 13.000ha.
Trong xu thế chung, phát triển nông nghiệp đòi hỏi phải có sự góp mặt của kinh tế tập thể, làm cầu nối gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết sản xuất. Hiện nay, tỉnh đang củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, mở rộng hoạt động kinh doanh tổng hợp, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu. Hòa theo tiêu chí giúp nông nghiệp phát triển, một số địa phương như Hồng Ngự, Tháp Mười tiến đến sáp nhập các HTX, hoạt động đa dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và liên kết của bà con.
Ông Phạm Tấn Tho - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: “giải pháp sáp nhập HTX xuất phát từ nhiều nguyên nhân như HTX nhỏ lẻ, hoạt động yếu, việc sáp nhập lại sẽ tạo quy mô lớn, huy động được nội lực để hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay, tỉnh ta thực hiện mô hình cánh đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, vì thế hợp nhất các HTX sẽ tạo điều kiện cho việc liên kết được thuận lợi hơn, hạn chế thu mua manh mún trên cùng một cánh đồng...”.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đặt ra phát triển mạnh với ít nhất 50% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới, huy động sức mạnh toàn xã hội để phát triển nông thôn. Trong đó, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xem là tiêu chí cần và đủ. Đối với các xã xây dựng nông thôn mới hiện đang phát huy khai thác những tiềm năng lợi thế của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm giúp người nông dân tăng thu nhập.
Nguồn: Báo Đồng Tháp Online