Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp có sự chuyển động đúng hướng, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã nâng cao chỉ số tăng trưởng của ngành Nông nghiệp tỉnh cũng như đẩy nhanh tiến độ đưa các xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu đề ra.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, Quảng Ninh vốn không phải là vùng trọng điểm nông nghiệp, ít có ưu thế về diện tích canh tác để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Từ đặc thù này, ngành định hướng phát triển các mô hình, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy các đối tượng cây trồng, vật nuôi, sản phẩm thế mạnh địa phương, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm của người dân; lấy tiêu chí giá trị để nâng chất mỗi mô hình sản xuất.

Khu vườn cam của thành viên HTX Nông trang Vạn Yên, huyện Vân Đồn cho thu hoạch trên 80 tấn cam, doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng
Vườn cam của thành viên HTX Nông trang Vạn Yên, huyện Vân Đồn cho thu hoạch trên 80 tấn cam, doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng.  Ảnh: Lương Giang

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2017, tất cả các loại cây, con bản địa của tỉnh như gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, cây ba kích, thông nhựa… đều tăng về quy mô, sản lượng và giá trị, trở thành vùng sản xuất tập trung, góp mặt trong 18 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh. Trong đó, đàn gà Tiên Yên thương phẩm duy trì ổn định ở mức trên 265.000 con, tăng 30% so với năm 2016; số lượng gà thương phẩm đã xuất chuồng trong năm là 501.800 con, tăng 19,17% so với năm 2016 và đạt 68,6% so với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung tính đến năm 2020. Tổng đàn lợn Móng Cái đạt gần 4.300 con, tăng 1.500 con so với năm 2016. Diện tích cây thông nhựa mở rộng gần 900ha, nâng tổng diện tích loại cây này lên gần 3.000ha. Cây ba kích được trồng ở 4 địa phương là Ba Chẽ, Hoành Bồ, Hải Hà, Vân Đồn với tổng diện tích 680ha, dự kiến năm 2018 tăng lên trên 1.000ha... 

Đơn cử như mô hình nuôi gà Tiên Yên, toàn huyện Tiên Yên hiện có hàng trăm mô hình chăn nuôi lớn nhỏ, tạo thành phong trào chăn nuôi có sức lan tỏa, trong đó xã miền núi Phong Dụ có trên 50 mô hình với tổng đàn gà trên 34.000 con. Điều đáng nói các giống cây, con bản địa không chỉ có ưu thế về chất lượng mà còn mang tính đặc thù, riêng có của địa phương nên luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, giữ giá tiêu thụ ổn định, ít bị tác động biến động của thị trường. Ví dụ như trong đợt giảm giá lợn hơi khiến người chăn nuôi lợn cả nước lao đao thời gian qua thì các hộ chăn nuôi lợn Móng Cái vẫn có mức tiêu thụ cao, nhiều thời điểm cung chưa đáp ứng được cầu.

Thời gian qua, người dân nhiều vùng nông thôn đã tập trung đầu tư phát huy thế mạnh các nông sản truyền thống hoặc sản phẩm chế biến từ nguyên liệu của ngành Nông nghiệp, nâng tầm trở thành sản phẩm OCOP, hàng hóa có thương hiệu và giá trị. Theo thống kê của Ban Xây dựng NTM tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 54 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng, trong đó có 3 sản phẩm đạt 5 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao.

Nhờ cải thiện thu nhập, người dân có điều kiện tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn
Nhờ cải thiện thu nhập, người dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà có điều kiện tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn.  Ảnh: Ánh Hồng

Thực tế, từ khi cây lúa nếp cái hoa vàng được xây dựng thương hiệu, nằm trong danh mục sản phẩm OCOP tiêu biểu của Quảng Ninh đã mang lại nguồn thu ổn định cho người nông dân vùng quê Yên Đức (Đông Triều). Các sản phẩm vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí), cam Sen, Vạn Yên (Vân Đồn), ổi Tân Dân (Hoành Bồ), trứng vịt biển Đồng Rui (Tiên Yên) cũng khiến người nông dân no ấm, đầy đủ hơn. Các sản phẩm OCOP chế biến từ con lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, củ dong riềng Bình Liêu, hàu Thái Bình Dương (Vân Đồn)… đều được người tiêu dùng ưa chuộng, nhu cầu tiêu dùng cao.

Trong xu thế phát triển hội nhập, nhiều vùng nông thôn khuyến khích nông dân “bắt tay” với doanh nghiệp, hình thành các mô hình sản xuất công nghệ cao, như nông dân Đông Triều tham gia tích cực mô hình trồng khoai tây Atlantich cho doanh nghiệp ORION Việt Nam; mô hình sản xuất của HTX Hoa Phong; du lịch làng quê ở Yên Đức… Đặc biệt, trong nuôi trồng thủy sản, ngày càng nhiều người dân mạnh dạn đầu tư hạ tầng để nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm vụ 3. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2017 này toàn tỉnh tăng thêm 313ha nuôi tôm công nghiệp, trong khi đó sản lượng của mỗi ha nuôi công nghiệp cao hơn đến 70 lần so với nuôi quảng canh.

Xuất phát từ quan điểm lấy thu nhập của người dân là tiêu chí quan trọng nhất trong việc phát triển sản xuất, các địa phương đều khuyến khích người dân tự đăng ký mô hình sản xuất phù hợp với ưu thế của gia đình. Nhiều đơn vị đã dành nguồn kinh phí để xây dựng mô hình trình diễn, đưa người dân đến tiếp cận trực tiếp, từ đó thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân.  

Có thể thấy, việc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới không chỉ tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả, đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, mà còn từng bước phát huy tính tự chủ, sáng tạo của người dân, xứng đáng trở thành chủ thể của nông thôn mới. Thực tế theo thống kê, trong năm 2017, nông dân toàn tỉnh đã bỏ ra gần 460 tỷ đồng để tổ chức sản xuất, từ đó đã thúc đẩy các xã, thôn thực hiện thắng lợi tiêu chí nông thôn mới, đưa các xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn tiên tiến, nông thôn kiểu mẫu.

Mô hình vườn kiểu mẫu của hộ gia đình ông Nguyễn Đắc Sáng, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà mang lại nguồn thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Ảnh thu Trang
Mô hình vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Đắc Sáng, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, mang lại nguồn thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Ảnh: Thu Trang

Báo cáo của Ban Xây dựng NTM tỉnh cho thấy, năm 2017, toàn tỉnh có thêm 33 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 25 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, nâng các chỉ số này trên toàn tỉnh là 61/111 xã đạt tiêu chí về thu nhập và 13/111 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất. Trong năm đặt ra mục tiêu 11 xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên đến nay đã đạt 17 xã, tăng 6 xã. Đặc biệt, các địa phương Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Cô Tô đã được Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt 31,7% tổng địa phương toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, với xu hướng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới như hiện nay, năm 2018, toàn tỉnh sẽ đạt thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn xây dựng NTM, 3 xã thoát diện 135, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt từ 30 - 45 triệu đồng/người/năm.

Việt Hoa/baoquangninh.com