Phát triển nông nghiệp hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Thứ năm - 18/07/2019 19:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân - Ảnh: Thiện Tâm |
Theo báo cáo của các huyện, thị xã, đến nay toàn Thành phố chuyển đổi được 40.035 ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng 1.264 ha so với quý I/2019. Trong đó diện tích chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao có diện tích lớn nhất (15.707 ha), tiếp đến là diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả (7.346 ha), rau an toàn (2.935 ha)… Một số huyện có diện tích chuyển đổi lớn như: Sóc Sơn, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Oai, Phú Xuyên.
Sau dồn điền đổi thửa, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập người nông dân.
Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn,… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%. Vùng sản xuất Rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở một số huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm,… với giá trị 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật thủ, Nhãn chín muộn, Cam canh ở Hoài Đức, Bưởi Tôm vàng ở Đan Phượng. Vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất với giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các huyện như: Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; Vùng nuôi trồng thủy sản tại một số huyện như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Theo Sở NN&PTNT, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào trong sản xuất, nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, rau, hoa có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đưa cơ giới hóa, các giống tốt và chất lượng vào sản xuất được tăng cường, đẩy mạnh trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cho năng suất vượt trội, giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Điển hình như sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới…
Đến nay, toàn Thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng 2 mô hình so với quý I/2019). Các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Thanh Oai 10 mô hình, Sóc Sơn 9 mô hình, Đan Phượng 9 mô hình, Phúc Thọ 8 mô hình, Đông Anh 8 mô hình, Phú Xuyên 8 mô hình... Một số mô hình nổi bật như: Nhà máy sản xuất Nấm Kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức; Mô hình sản xuất rau thủy canh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm... Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay
Mặc dù việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt.
Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu còn thiếu đổi mới để thúc đẩy sản phẩm ra nước ngoài.
Giá cả sản phẩm chăn nuôi thấp, giá thịt lợn, thịt gia cầm giảm mạnh đã ảnh hưởng xấu tới sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và thu nhập của nông dân. Đặc biệt, dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn Thành phố xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, diễn biến tình hình ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn làm mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 25,7 % tổng đàn.
Vì vậy, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, trong thời gian tới, thành phố cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập trên 1 ha canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân. Đảm bảo diện tích gieo trồng với cơ cấu các giống có năng suất, chất lượng cao. Duy trì và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn được kiểm soát.
Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả các nội dung Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”.
Tập trung thực hiện công tác lai tạo, sản xuất giống vật nuôi: Đẩy mạnh sử dụng tinh bò thịt, bò sữa chất lượng cao như: Tinh bò thịt giống Wagyu, Angus, BBB... tinh bò sữa HF. Nâng cao năng suất sinh sản của đàn lợn nái bằng các giống lợn nhập ngoại từ Pháp, Canada,...
Tổ chức các lớp tập huấn về quản lý chất lượng giống thủy sản, nuôi thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.