Phát triển nông nghiệp hữu cơ
- Thứ năm - 19/12/2019 04:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 3/2019, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang triển khai mô hình bưởi hữu cơ chuyển đổi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn. Mô có hình sự tham gia của 44 hộ dân với tổng diện tích hơn 57,2 ha.
Tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn cách xây dựng quy chế hoạt động của nhóm; xây dựng kế hoạch sản xuất nông hộ, ghi chép sổ nhật ký theo dõi sản xuất. Thay vì bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các hộ dân được hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ có bổ sung chế phẩm vi sinh; ngâm ủ đỗ tương, cá, chuối bằng chế phẩm vi sinh để làm phân bón bổ sung; chế biến thuốc thảo mộc để phòng trừ dịch hại cho cây trồng...
Gia đình chị Đỗ Thị Thanh, thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh tham gia mô hình hữu cơ với diện tích 2 ha bưởi và cam Vinh. Khi tham gia mô hình, chị được tập huấn quy trình kỹ thuật làm nông nghiệp hữu cơ; cung cách tiếp cận, tiếp nối thị trường.
Chị Thanh cho biết, triển khai mô hình hữu cơ chị không phun thuốc sâu hóa chất mà chỉ phun gừng, tỏi, ớt diệt thiên địch gây hại. Vì thế sức khỏe của người trồng được đảm bảo. Làm hữu cơ mất nhiều công và mất thời gian hơn nhưng cam, bưởi cho quả mọng nước, độ ngọt cao; cây bền và quả được trẻ lâu.
Vụ vừa rồi, cam hữu cơ chuyển đổi của gia đình chị Thanh bán được 12.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000 - 3.000 so với cam trồng theo phương thức thông thường. Chị và người dân địa phương quyết tâm cao làm nông nghiệp hữu cơ mặc dù bước đầu còn gian nan.
Tháng 8/2018, HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh được thành lập với 12 hộ gia đình tham gia. Bởi đây là mô hình mới nên khi mới thành lập, người dân còn đứng ngoài nghe ngóng tình hình xem có hiệu quả không. Tuy nhiên sau 1 năm đi vào hoạt động, thấy mô hình hữu cơ cho chất lượng quả cao hơn lại bảo vệ sức khỏe người trồng nên đã có thêm 5 hộ xin tham gia.
Anh Tạ Hữu Quang, Giám đốc HTX cho biết, tham gia HTX các hộ nông dân được tư vấn sản xuất về sản phẩm nông nghiệp sạch; cùng đồng hành liên kết kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Riêng gia đình anh có 13 ha diện tích cây ăn quả trồng theo mô hình hữu chuyển đổi, trong đó 3 ha cho thu hoạch. Trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Tương lai nếu đầu ra và giá ổn định, thì người dân sẽ thu lãi khoảng 200 triệu/ha từ mô hình bưởi hữu cơ.
Đồng hành cũng người nông dân, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ người nông dân xã Phúc Ninh 10.000 tem truy xuất nguồn gốc. Sở cũng hỗ trợ người dân kết nối với các siêu thị để nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Tuyên Quang kiểm tra mô hình bưởi hữu cơ chuyển đổi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn. |
Các HTX và người nông dân Tuyên Quang rất mong muốn có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, hình thành các chuỗi liên kết để việc tiêu thụ thuận lợi, để nông sản được giá và yên tâm làm nông sản sạch. |
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, đảm bảo chất lượng của mô hình, Chi cục đã lấy mẫu đất, nước của 19 hộ với diện tích 29,4 ha để phân tích các chỉ tiêu theo quy định. Kết quả, về cơ bản đáp ứng được các chỉ tiêu của nông nghiệp hữu cơ chuyển đổi.
Sau 9 tháng triển khai, nhận thức làm nông nghiệp sạch của người nông dân đã thay đổi rõ nét. Mô hình là đòn bẩy giúp mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch của người dân. Canh tác theo phương thức hữu cơ sẽ không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cả nông dân.
Dù đã thành công bước đầu song mô hình hữu cơ chuyển đổi cũng gặp khó khăn, nhất là vấn đề về đầu ra. Bởi việc tiếp cận với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm sạch gặp nhiều khó khăn; các cửa hàng thực phẩm sạch còn chưa tin tưởng với sản phẩm chuyển đổi do thời gian thực hiện chuyển đổi ngắn. Trên thị trường, sản phẩm hữu cơ chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, thị trường tiêu thụ còn hạn chế.