Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả cao

Cả nước hiện có 40 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận; trong đó, 12 DN ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, 19 DN trong lĩnh vực thủy sản, 9 DN trong lĩnh vực chăn nuôi. Nhiều tỉnh thành phát triển NNCNC đã mang lại hiệu quả cao cho kinh tế nông nghiệp.
Ứng dụng NNCNC đã mang lại hiệu quả cao cho kinh tế nông nghiệp

Đẩy mạnh đầu tư cho NNCNC

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập, trong đó Thủ tướng Chính phủ thành lập 3 khu tại tỉnh Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Ngoài ra, theo quy hoạch tại Quyết định 575/2015/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp UDCNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, 8 khu nông nghiệp UDCNC đang được khẩn trương thực hiện.

Cụ thể, 3 khu ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã đi vào hoạt động với một số mô hình khá hiệu quả. Khu nông nghiệp UDCNC Lâm Đồng đã được Bộ NN&PTNT tổ chức thẩm định hồ sơ, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; 4 khu thuộc các địa phương: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cần Thơ đã xây dựng đề án và Bộ NN&PTNT đã tổng hợp ý kiến góp ý của bộ ngành, gửi địa phương hoàn thiện hồ sơ đề án trước khi tổ chức thẩm định.

Về vùng nông nghiệp UDCNC đã có 5 vùng nông nghiệp UDCNC thâm canh tôm, hoa, lúa được 4 địa phương công nhận gồm Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang.

Bên cạnh đó, từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành, đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển UDCNC trong nông nghiệp từ các DN và địa phương. Hàng năm, một số tập đoàn, công ty, hợp tác xã đã liên kết với nông dân, UDCNC trong nông nghiệp để sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao... Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5/2018, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp UDCNC, nông nghiệp sạch ước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung, dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.

Đã gặt hái thành quả

Nhìn lại thực tế phát triển NNCNC tại một số tỉnh thành trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất cao cho kinh tế nông nghiệp của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tại tỉnh Bình Dương, hiện nay tổng diện tích trồng trọt ứng dụng NNCNC trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt gần 2.500ha, tăng 47% so với năm 2015. Số lượng đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi công nghệ cao tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Sản xuất NNCNC đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, tạo bước đi bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương.

Là cái nôi phát triển NNCNC của cả nước, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện tại các vùng NNCNC của tỉnh Lâm Đồng đang ứng dụng trình độ canh tác tương đương các nước có nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Tính đến tháng 6/2018, cơ cấu cây trồng chủ lực được xác định trên 26 vùng, khu NNCNC của Lâm Đồng đạt gần 19.000ha rau, đạt giá trị sản xuất 450 triệu đồng/ha; khoảng 3.700ha hoa, tăng 50% diện tích so với năm 2015, sản lượng gần 3 tỷ cành, giá trị sản xuất 800 triệu đồng/ha; 160ha cây đặc sản dâu tây, atiso, sản lượng gần 4.700 tấn, chiếm hơn 53% diện tích canh tác.

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển NNCNC phù hợp với lợi thế từng vùng, từng loại sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu, nâng giá trị NNCNC đạt tỷ trọng 35-40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Hay tại tỉnh An Giang, việc phát triển NNCNC đã có nhiều đề tài, dự án được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Cụ thể vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao gắn với phát triển cánh đồng lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ như san bằng mặt ruộng ứng dụng tia laser, máy cấy lúa, máy gom rơm, máy băm rơm...) có tổng diện tích gieo trồng đạt gần 77.778ha. Hiện có khoảng 19 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác và 22 DN tham gia sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao. Lĩnh vực thủy sản với nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao đã được các đơn vị, DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh nhân và sản xuất giống thành công như cá chình nước ngọt, cá heo, cá tra giống... đã góp phần đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản của tỉnh.

Thanh Thanh/http://congthuong.vn/