Phát triển nông sản bền vững: Bài học từ vải thiều Lục Ngạn

Phát triển nông sản bền vững: Bài học từ vải thiều Lục Ngạn
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho mình, thì vải thiều Lục Ngạn, một trong những nông sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang đã có những bước đi mạnh mẽ, khi chủ động tìm đến với người tiêu dùng bằng cách làm cụ thể và hiệu quả. Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn khẳng định được vị trí, tiềm năng và hướng đến sự phát triển bền vững.

Chủ động tìm hướng đi cho nông sản

“Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018” (từ ngày 13 – 20/6/2018) đã chính thức được diễn ra tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của tỉnh Bắc Giang nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn tới đông đảo người tiêu dùng Thủ đô, mang đến cho thực khách Thủ đô những quả vải thiều thơm ngon nhất của tỉnh.

phat trien nong san ben vung bai hoc tu vai thieu luc ngan
Với sự chủ động ngay từ đầu mùa, vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang đã và đang có những bước đi vững chắc.

Chị Quỳnh Chi ở đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hiện nay vải đang bắt đầu vào chính vụ. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ vải đi đâu tôi cũng thấy người ta treo biển bán vải thiều, thậm chí nhiều nơi còn ghi hẳn là vải thiều Lục Ngạn, vải thiều Thanh Hà…khiến nhiều người không biết đâu là vải thiều thật, vải thiều giả. Vì thế, việc tỉnh Bắc Giang tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá vải thiều Lục Ngạn sẽ giúp người dân dễ dàng nhận biết hơn về đặc sản này.

Từ chia sẻ của người tiêu dùng tại Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận định, đây là cách làm chủ động, hiệu quả của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang trong việc nâng cao vai trò kết nối các chuỗi cung ứng, nâng cao thương hiệu vải thiều Lục Ngạn và hướng đến sự phát triển bền vững cho quả vải Bắc Giang.

Đặc biệt, năm nay “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội” được tổ chức sớm hơn so với 2 năm trước bởi Bắc Giang mong muốn sớm kết nối với các doanh nghiệp ngay từ đầu vụ giúp tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm vải thiều giữa các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nông sản, nhất là thúc đẩy xuất khẩu vải thiều sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan thông qua hệ thống chuỗi siêu thị Big C.

Qua Tuần lễ xúc tiến này, không chỉ người tiêu dùng Thủ đô mà với cả người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố lân cận cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận, nhận biết và thụ hưởng sản phẩm đặc sản rõ nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường giao thương kết nối với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối hiện đại và đặc biệt là hướng đến xuất khẩu bền vững.

Để có sự chủ động này ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tiếp nối sự thành công trong công tác xúc tiến thương mại từ những năm trước, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức bài bản công tác xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm qua các kênh xuất khẩu trực tiếp, chinh phục được nhiều thị trường khó tính và tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó có Hà Nội. Qua đó, đã kết nối được sản phẩm vào hệ thống phân phối của Hà Nội và cả nước, nhằm phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

Cũng theo ông Tấn, năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho cây vải thiều sinh trưởng và phát triển, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, tổng sản lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang thu hoạch năm 2018 ước đạt từ 150.000 - 180.000 tấn, cao nhất trong những năm gần đây.

Vì thế, nhằm đảm bảo công tác sản xuất và tiêu thụ cho quả vải thiều Lục Ngạn nói riêng và nông sản ở Bắc Giang nói chung, ngay từ đầu năm tỉnh Bắc Giang đã quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành tổ chức nhiều giải pháp như: Mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; tăng cường tuyên truyền về sản xuất vải thiều an toàn; hướng dẫn vệ sinh vườn trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo sản phẩm sản xuất ra an toàn, chất lượng đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Tăng cương kết nối để phát triển bền vững

Có thể nói, để vải thiều Lục Ngạn có được chỗ đứng trên thị trường và khẳng định thương hiệu như hiện nay, bên cạnh sự chủ động của cơ quan chức năng và người dân tỉnh Bắc Giang, thì còn có sự đồng hành và hỗ trợ tích cực từ các doanh nghiệp, các chuỗi phân phối hiện đại, các cơ quan ban ngành tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành bộ phận Quan hệ công chúng và Trách nhiệm xã hội hệ thống siêu thị Big C cho biết, đây là lần thứ ba Big C Việt Nam vinh dự được Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tin tưởng lựa chọn để cùng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ sự kiện quan trọng này. Có thể nói, vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang là một trong những loại vải ngon nhất, có độ thanh, vỏ đỏ khi chín tới, cùi dày hạt nhỏ và được thu hái trực tiếp từ nông dân.

Vì thế, với sự phối hợp của mình, Big C Việt Nam sẽ cam kết thực hiện thu mua vải thiều của tỉnh Bắc Giang với chất lượng cao nhất và giá theo thị trường tại thời điểm thu mua, qua đó góp phần định hướng giá cả, thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang.

Cũng theo bà Linh, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu cho quả vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang, tại tuần lễ vải thiều năm 2018, lần đầu tiên hệ thống siêu thị Big C sẽ giới thiệu tới khách hàng 8 món ăn và thức uống được chế biến từ trái vải như chè vải rau câu, chè vải hạt sen, thạch rau câu vị vải, kem mút vải, bánh flan vải, nước trái vải, vải chiên xù và bánh rán mặn nhân vải.

Đáng chú ý, dự kiến 1 – 2 ngày tới đây, lô hàng vải thiều đầu tiên của năm nay sẽ được Central Group và Big C Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan với số lượng tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Điều này thêm một lần nữa khẳng định uy tín, chất lượng cũng như thương hiệu của trái vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang.

Trước cách làm của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang trong việc tìm kiếm thị trường giúp người nông dân trồng vải yên tâm sản xuất, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, giải pháp quan trọng nhất chính là việc thực hiện công tác phân tích và dự báo thị trường để chủ động trong việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.

Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực phối hợp cùng tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả nhiều nội dung, hình thức hợp tác như: Tổ chức hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa; góp phần kết nối, tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản, hàng hóa của tỉnh Bắc Giang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Đặc biệt, năm nay “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội” được tổ chức sớm hơn so với 2 năm trước bởi Bắc Giang mong muốn sớm kết nối với các doanh nghiệp ngay từ đầu vụ giúp tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm vải thiều giữa các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nông sản, nhất là thúc đẩy xuất khẩu vải thiều sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan thông qua hệ thống chuỗi siêu thị Big C.

Trong những câu chuyện liên quan đến giải cứu nông sản, được mùa mất giá…vẫn đang khiến nhiều địa phương, nhiều mặt hàng nông sản đứng ngồi không yên. Thì với cách làm của tỉnh Bắc Giang đối với quả vải thiều, không chỉ giúp nâng cao giá trị quả vải, thể hiện rõ vai trò của nhà quản lý trong việc tăng cường liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và nhà cung cấp, mà còn giúp nông sản bảo đảm đầu ra một cách bền vững. Đây cũng cách làm hiệu quả để các địa phương khác chủ động tìm hướng đi cho nông sản địa phương trước thách thức của thị trường…

Đỗ Đạt/laodongthudo.vn