Có khoảng 200 doanh nghiệp và hộ nuôi ong ở các tỉnh miền trung - Tây Nguyên tham dự diễn đàn.
Tại đây, các đại biểu đã nghe nhà khoa học, quản lý và cán bộ kỹ thuật trình bày báo cáo tham luận về chương trình giám sát an toàn thực phẩm mật ong, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho xuất khẩu; phát triển nuôi ong phục vụ cho cây trồng; việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm từ mật ong.
Một số ý kiến cho rằng, nghề nuôi ong ở Việt Nam chưa phát triển là do giống ong không được cải tiến và nhập mới; hiện giống ong có sự pha tạp của nhiều phân loài, nuôi giữ qua nhiều thế hệ dẫn đến tỷ lệ cận huyết cao. Mặt khác, do thiếu kiến thức về thụ phấn cây trồng nên đã dẫn đến tình trạng đốt đuổi đàn ong, xịt thuốc trừ sâu vào các đàn ong vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, quy trình thực hành chăn nuôi ong tốt (Viet GAHP) ít được sử dụng, dư lượng kháng sinh tồn dư trong mật ong lại phát sinh, làm giảm chất lượng mật ong, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Tại diễn đàn này, các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cho người nuôi ong về kỹ thuật nuôi và bảo quản; kết hợp giữa nuôi ong với trồng trọt để tạo hiệu quả “kép”, vừa mang lại hiệu quả cho cây trồng vừa góp phần phát triển bền vững ngành mật ong Việt Nam, tạo thương hiệu sản phẩm trên thị trường thế giới.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện cả nước có hơn 1,5 triệu đàn ong; trong đó, ong nội 350 nghìn đàn, ong ngoại 1,15 triệu đàn với hơn 34 nghìn người nuôi ong. Năm 2014, sản lượng mật ong cả nước đạt 53 nghìn tấn, xuất khẩu 49,6 nghìn tấn mật ong đến 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt giá trị 120 triệu USD.