Phát triển sản xuất tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Phát triển sản xuất tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là căn cơ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định được điều đó, những năm qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trao "cần câu", giúp người dân tăng thu nhập.

Nhiều mô hình thiết thực

Mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống cho người dân nên nhiều địa phương đã đề ra những chủ trương, chính sách khuyến khích người dân xây dựng mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập. Cụ thể, ở tất cả các xã, đặc biệt đối với 36 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, ngoài Đồ án quy hoạch, Đề án xây dựng NTM, các xã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Để nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí NTM, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn, thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; trợ giá giống cây trồng, vật nuôi; thành lập các tổ liên kết, các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động người dân học nghề; tạo việc làm… là những giải pháp quan trọng mà các cấp chính quyền huyện, xã đẩy mạnh thực hiện.

Mô hình nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và được nhân rộng tại huyện Cờ Đỏ.

Thực tế, các địa phương cũng đã tự tìm được thế mạnh riêng để khai thác hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: Cờ Đỏ là huyện vùng ven của TP Cần Thơ và là huyện thuần nông. Do đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp sâu sát cơ sở, nắm rõ đặc thù, thế mạnh của từng địa phương. Trên cơ sở đó tìm kiếm những phương thức sản xuất phù hợp. Chẳng hạn, hỗ trợ các công cụ nông nghiệp giúp một bộ phận dân trí thấp, có sức lao động để làm thuê; những vùng có khả năng sản xuất giống, quy hoạch khu vực thành vùng đê bao có bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; phát triển và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn… Bà Hoàng Kim Cương nhấn mạnh: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phải gắn liền với thị trường, với hợp đồng bao tiêu. Không nên chuyển đổi ồ ạt rơi vào tình trạng "trúng mùa, rớt giá"... Phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương là nông nghiệp, thời gian qua, huyện Cờ Đỏ có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả mang lại thu nhập ổn định cho người dân, như: mô hình nuôi ếch, nuôi lươn, dệt chiếu, hợp tác xã lúa giống...

Được thành phố quy hoạch là huyện sinh thái, trên cơ sở đó huyện tập trung phát triển mô hình cây ăn trái gắn với du lịch vườn. Để hỗ trợ nông dân, huyện Thới Lai ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 31-7-2009 về phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua hơn 4 năm thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế người dân, như xã: Trường Xuân A sử dụng diện tích ruộng trong mùa lũ để nuôi cá, trồng bông súng; Định Môn, Thới Thạnh, Trường Thắng, Xuân Thắng sử dụng mặt nước sông, ao mương để nuôi cá lóc vèo, cá rô, ếch, trồng rau màu… mang lại thu nhập cho gia đình. Anh Nguyễn Văn Lắm ở ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Anh cùng các hộ dân liên kết chuyển đổi trồng dưa hấu trên diện tích 8ha (mỗi hộ 1 ha), cho thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, vụ dưa Tết, mức đầu tư cao hơn song cho lợi nhuận cao hơn 30-40 triệu đồng/ha. So với trồng lúa lợi nhuận từ trồng dưa hấu cao hơn 3 lần, nhờ đó đời sống kinh tế ổn định hơn.

Ngành nông nghiệp đã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tích cực triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thành phố hỗ trợ cây giống, con giống; liên kết với các doanh nghiệp triển khai những mô hình hiệu quả, như: trồng nấm bào ngư, nấm rơm cho các xã...

Phát huy và nhân rộng

Nhờ chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân vùng nông thôn đã có biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, ở nhiều xã vẫn còn tình trạng diện tích sản xuất của từng nông hộ còn nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa triệt để, thiếu vốn sản xuất. Theo ý kiến của các địa phương, để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, việc trước mắt là thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả, năng suất, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung và mở rộng các ngành nghề cho người nông dân. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua yếu tố thị trường bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Song hành giải quyết hai vấn đề này sẽ là giải pháp hiệu quả cho bài toán nâng cao thu nhập cho người nông dân một cách ổn định, bền vững. Ông Trần Ánh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tiếp tục vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp với huyện triển khai hỗ trợ các giống rau màu, cây ăn trái, thủy sản... nhằm phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn, lớp nghề ngắn hạn đào tạo nghề, nâng chất lượng lao động, nâng cao thu nhập...

Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả và bền vững, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM thành phố vạch ra lộ trình thực hiện với những giải pháp sâu sát thực tế. Theo đó, thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung xây dựng những vùng sản xuất lớn theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Song song đó, tranh thủ các dự án nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình phi chính phủ để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông dân, nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân. Phát triển chăn nuôi, thủy sản, vườn cây ăn trái theo quy mô tập trung, chuyên canh qua đó từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của thành phố nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hỗ trợ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Cần Thơ, góp phần cải thiện đời sống người dân, giải quyết việc làm. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại) sản xuất theo quy mô lớn, tập trung và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Xây dựng triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…

Trong các buổi làm việc với các xã tham gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng luôn nhấn mạnh các địa phương chú trọng công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là đích đến cuối cùng, là thắng lợi của phong trào xây dựng NTM.

* * *

Bằng việc làm cụ thể, hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương công cuộc xây dựng NTM đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Hy vọng với những bước đi phù hợp, đúng đắn sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao hơn nữa đời sống người dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM của thành phố...

Theo baocantho.com.vn