Phát triển văn hóa trên nền tảng đất học

Phát triển văn hóa trên nền tảng đất học
Đức Thọ là địa chỉ đỏ trong công tác dạy và học, được mệnh danh là đất học của tỉnh Hà Tĩnh. Từ lợi thế đó huyện Đức Thọ đã chú trọng phát triển văn hóa trên nền tảng "đất học”, nhất là trong CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHOKDC). Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Đường – Chủ tịch UBMTTQ huyện Đức Thọ xung quanh vấn đề này.
 
 
 
Những cánh đồng thẳng tắp trên quê hương Đức Thọ
Ảnh: Lan Hoa
 
Ông có thể cho biết, 5 nội dung của cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHOKDC” đã được hiện thực hóa ở huyện Đức Thọ như thế nào?
 
- Trên nền tảng của việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư những năm qua, ngay sau khi có Thông tri số 17 về việc Hướng dẫn tiếp tục nâng cao chất lượng CVĐ trong giai đoạn mới, Đức Thọ đã triển khai một cách bài bản, có hệ thống, có kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc thực hiện 5 nội dung của CVĐ đến từng người dân, từng khu dân cư. Chính vì vậy mà đến nay CVĐ đã hiện hữu những kết quả khả quan.
 
Trước hết về việc đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chúng tôi đã chú trọng đến công tác xóa đói giảm nghèo (đến tháng 10-2011, Quỹ "Vì người nghèo” đã vận động được 850 triệu đồng) đồng thời thành lập các tổ cho vay vốn, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm để hỗ trợ người nghèo và giúp họ thoát nghèo nhanh chóng, bền vững. Năm 2011-2012 đã làm được 125 ngôi nhà cho hộ nghèo và đặc biệt tháng 7-2012 đã hỗ trợ làm nhà cho 8 hộ gia đình chính sách mỗi hộ 30 triệu đồng, tổng cộng là 240 triệu đồng. Năm qua, Đức Thọ đã vận động được  257 hộ gia đình chăn nuôi làm bình biogas để vừa tận dụng nhiên liệu, vừa tạo dựng môi trường trong sạch.     
 
  Đến Đức Thọ hôm nay sẽ bắt gặp rất nhiều những tiệc cưới, đám tang văn minh, tiết kiệm, có tới 15/28 xã, thị trấn không có khói thuốc lá. Nhờ có 12 HTX vệ sinh môi trường thường xuyên dọn dẹp 2 ngày/tuần, ngày 20 hàng tháng tổng vệ sinh toàn huyện do hội phụ nữ và đoàn thanh niên đảm nhận, nên đường phố, thôn xóm luôn khang trang, sạch đẹp . Việc hòa giải ở cơ sở được chú trọng, trong năm 2012 đã tổ chức hòa giải được 85 vụ việc nên tình hình trật tự, an ninh được đảm bảo. Công tác tôn giáo cũng đạt được những thành tích đáng ghi nhận, huyện Đức Thọ hiện đứng đầu tỉnh về việc thắt chặt đoàn kết lương – giáo, không có truyền đạo trái phép trên địa bàn…Nhờ vậy, hiện nay Đức Thọ đã có 177/243 khu dân cư văn hóa, đạt 73%. 
 
Vì sao Đức Thọ lại đạt được những thành tựu đáng tự hào như vậy và MTTQ có vai trò gì trong những thành tựu này?
 
Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã và đang đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, Đức Thọ trở thành một trong những đơn vị đi đầu tại Hà Tĩnh trong CVĐ này. Nhất là đã vận động nhân dân hiến đất, có những hộ gia đình hiến tới 2.500 m2 đất cho quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. 
 - Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị huyện Đức Thọ trong những năm qua trong việc phát triển văn hóa trên nền tảng của "đất học”, đặc biệt trong đó thể hiện vai trò rất lớn của MTTQ huyện, xã. Dân trí cao, hiểu biết rộng việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến là một điều rất thuận lợi nhưng những nét văn hóa xấu cũng dễ du nhập. Với trách nhiệm và bản lĩnh của cả hệ thống chính trị đoàn kết một lòng thì mọi nhiệm vụ khó khăn nhất cũng sẽ vượt qua.
 
MTTQ huyện đã xây dựng được lộ trình tuyên truyền, vận động bài bản, có chủ điểm, có chú trọng nên các nội dung của cuộc vận động "TDĐKXDĐSVHƠKDC” mới đạt được thành tựu đồng bộ, khả quan như vậy. Chúng tôi đã nghiên cứu điều gì nên làm trước, cái gì nên phối kết hợp và nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống Mặt trận đồng sức, đồng lòng cùng nhân dân, kề vai sát cánh cùng người dân trong mọi hoạt động nên mới có những kết quả như vậy. Vừa tuyên truyền, vận động toàn diện, lại có công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả nên cuộc vận động  ở Đức Thọ mới có những bước tiến như vậy.
 
Vậy trong quá trình thực hiện cuộc vận động, ông nhận thấy huyện Đức Thọ còn gặp những khó khăn gì  và có biện pháp như thế nào để giải quyết những khó khăn đó? 
 
-  Đó là nơi sinh hoạt văn hóa cho các khu dân cư còn hạn chế, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là khu vui chơi cho con trẻ. Mặt khác, việc du nhập những văn hóa phẩm có hại trong đội ngũ thanh thiếu niên hiện nay cũng đang là một vấn nạn. Việc xây dựng nếp sống lành mạnh, đan xen những nét văn hóa truyền thống với hiện đại trong thế hệ này còn gặp nhiều khó khăn. 
 
Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được nhờ việc kết hợp giữa việc đẩy mạnh CVĐ "TDĐKXDĐSVHOKDC” với chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt hai cuộc vận động này sẽ hóa giải được khó khăn trong việc xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa cho các khu dân cư. Chú trọng đến tuyên truyền, vận động tầng lớp thanh thiếu niên sẽ tạo được động lực cho việc xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại nhưng luôn chứa đựng những giá trị truyền thống của dân tộc. Điều này sẽ tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong tiến trình thực hiện CVĐ "TDĐKXDĐSVHƠKDC”.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Hạnh Nguyên (Thực hiện)
Theo Báo Đại đoàn kết