Phó Thủ tướng: Dừng thực hiện các quy hoạch điều chỉnh sai
- Thứ tư - 05/06/2019 05:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sáng 5/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về các vấn đề của ngành xây dựng được cử tri quan tâm. Theo Phó Thủ tướng, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các vị ĐBQH đã tập trung vào nhiều vấn đề liên quan đến tồn tại, hạn chế của ngành xây dựng.
“Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi xin tiếp thu các ý kiến chất vấn của các vị ĐBQH để tiếp tục chỉ đạo ngành xây dựng khắc phục những hạn chế, tồn tại và phát huy những kết quả đạt được, để ngành xây dựng có bước phát triển mạnh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhận xét, trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trả lời rõ và khá đầy đủ các ý kiến của các vị ĐBQH.
Trên cơ sở các nội dung chất vấn được nhiều ĐBQH nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tập trung làm rõ 5 chủ đề.
Dừng thực hiện các quy hoạch điều chỉnh sai
Câu chuyện điều chỉnh quy hoạch ở các đô thị hiện nay được các đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Tây Ninh), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)… và nhiều ĐBQH khác đề cập.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc điều chỉnh quy hoạch là một nội dung, một nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch và trong quá trình thực hiện quy hoạch. Điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch. Trong đó, có điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu (chất lượng quy hoạch kém); điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu (quy hoạch không phù hợp quyền lợi của người dân); điều chỉnh quy hoạch do nhà đầu tư yêu cầu.
“Nhưng dư luận xã hội, cử tri và ĐBQH đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tùy tiện: Nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng…gây quá tải lên hệ thống hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không bảo đảm cảnh quan kiến trúc theo đúng quy định pháp luật.
“Cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, cần có các giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Công khai quy hoạch để người dân giám sát
Về việc khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo theo ý kiến ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Kim Thuý (Đà Nẵng)…, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với nhận định của ĐBQH và cho rằng, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo đang diễn ra ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng tới quyền lợi, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch.
“Người dân không thể làm nhà vì vướng quy hoạch, đi nơi khác cũng không được vì nhà nước không có nguồn lực để GPMB và làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trước hết vì chất lượng của quy hoạch thấp, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ kế hoạch; quy hoạch nhu cầu sử dụng đất vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn lực.
Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp với từng giai đoạn của quy hoạch để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong thời hạn chưa thực hiện quy hoạch nhằm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả.
Công tác quản lý thực hiện quy hoạch thiếu kế hoạch dẫn đến có tình trạng cấp phép dự án tràn lan, theo phong trào, không phù hợp với nhu cầu của thị trường về các sản phẩm bất động sản. Nếu thực hiện tất cả các dự án đã cấp phép sẽ dẫn đến dư thừa sản phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản như đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng), đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) nêu. Nhưng nếu hạn chế xây dựng thì sẽ xảy ra tình trạng dự án treo.
Cùng với đó, việc lựa chọn các nhà đầu tư thiếu năng lực về quản lý và tài chính cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án treo.
Để khắc phục tình trạng này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch.
“Muốn vậy, phải có cơ chế để lựa chọn được các nhà tư vấn giỏi, có kinh nghiệm lập quy hoạch. Thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin về quy hoạch, công khai quy hoạch và lắng nghe ý kiến người dân trong việc lập quy hoạch cũng như trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch”, Phó Thủ tướng nói.
Sau khi có quy hoạch được phê duyệt, các địa phương phải chủ động lập kế hoạch thực nghiệm quy hoạch (theo Nghị quyết 11 của Chính phủ). Trong đó, xác định rõ lộ trình nguồn lực đầu tư (vốn ngân sách hay vốn xã hội) và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện.
Cùng với đó, phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, phải xác định cơ cấu các sản phẩm bất động sản hợp lý.
“Đặc biệt, phải chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo, cho người thu nhập thấp. Đây là một nhân tố bảo đảm sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả cũng là nhân tố bảo đảm cho thị trường bất động sản bền vững. Thị trường bất động sản phải theo nhu cầu, đáp ứng nhiều đối tượng trong xã hội. Các địa phương cần vào cuộc”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, đủ năng lực; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập xử lý kịp thời các vi phạm như: Thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư; xử lý trách nhiệm các cán bộ quản lý gây ách tắc đến tiến độ, gây thiệt hại cho nhà nước, đầu tư.
Xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình
Về vấn đề tăng dân số cơ học, gây áp lực lên hạ tầng các đô thị (theo ý kiến đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau); Phạm Tất Thắng (Trà Vinh)), Phó Thủ tướng cho rằng xu hướng tập trung hoá đô thị đang tăng nhanh. Trong đó, người dân dịch chuyển về các đô thị lớn tìm kiếm việc làm, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Riêng TPHCM, Hà Nội, mỗi năm tăng dân số cơ học 200.000 người, 5 năm tăng thêm 1 triệu người, bằng một đô thị trung bình. Mặt khác, dân số các quận nội thành hiện đang rất cao, trung bình khoảng 1,2 triệu người.
“Đầu tư hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng dân số, do đó gây ùn tắc giao thông, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp-thoát nước, xử lý nước thải, …), gây ô nhiễm môi trường, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Để khắc phục, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài”, Phó Thủ tướng nói.
Trước mắt, cần kiểm soát chặt chẽ nhà cao tầng, mật độ xây dựng; quy hoạch các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để thu hút người dân; bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở ô nhiễm, trụ sở cơ quan nhà nước.
Phó Thủ tướng cho biết, mới đây Thủ tướng đã yêu cầu TP. Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phía Bắc để xây dựng các khu đô thị mới với hạ tầng hiện đại, giảm áp lực cho các quận nội thành.
Trong dài hạn, cần xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia; phát triển đồng bộ hệ thống đô thị với phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế; chú trọng đầu tư hạ tầng nhằm tạo ra các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn người dân.
Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực (ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)), Phó Thủ tướng khẳng định vụ việc này thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội.
“Nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm của công trình này. UBND TP. Hà Nội cũng đã tập trung xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong”, Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân trong quá trình xử lý cũng như trong sử dụng công trình, bảo đảm không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Cùng với đó, đề nghị UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý việc vi phạm tại khu nhà ở HH Linh Đàm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của cư dân trong khu nhà này.
Về quản lý vận hành nhà chung cư, hiện tại có nhiều tranh chấp ảnh hưởng tới quyền lợi của cư dân, nhất là quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì nhà chung cư.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các địa phương (nhất là Hà Nội, TPHCM) thực hiện nghiêm Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư. Xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là vi phạm về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, bảo đảm quyền lợi của cư dân.
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) về các giải pháp khắc phục ách tắc trong thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sớm hoàn thiện pháp luật về xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương.
“Lồng ghép các nội dung thẩm định dự án để giảm thiểu thời gian thẩm định. Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa liên thông để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, phải tổ chức bộ máy chuyên môn về xây dựng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, xử lý nghiêm các cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu trong thi hành công vụ.
Xuân Tuyến
chinhphu.vn