Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thị sát nông thôn mới Bình Định
- Thứ năm - 24/07/2014 20:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là xã nằm cuối nguồn các con sông chảy qua địa bàn, trước đây, Phước Sơn thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa, ngập mặn vào mùa khô, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Khắc phục khó khăn tự nhiên, xã Phước Sơn đã tập trung phát triển hệ thống thủy lợi, đẩy mạnh triển khai các giống cây, con mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hai sản phẩm chính của xã là cây lúa và con tôm.
Đối với cây lúa, Phước Sơn phát triển mạnh cánh đồng mẫu lớn với 262 ha, cho năng suất cao. Đặc biệt, nông dân Phước Sơn đang liên kết sản xuất với Công ty CP Vật tư Nghệ An trên diện tích 75 ha trồng lúa 1 giống, cho sản lượng 10 tấn/ha, mang lại lợi nhuận 50 triệu đồng/ha/hộ nông dân.
Bên cạnh mô hình sản xuất mới, việc cơ giới hóa ở Phước Sơn cũng giúp cho nghề trồng lúa của địa phương đạt hiệu quả cao hơn ở nhiều nơi khác. Xã đã thực hiện cơ giới hóa 100% ở các khâu làm đất và thu hoạch với 55 máy gặt đập liên hồi và 40 máy cày. Ngoài ra, người dân Phước Sơn còn đi làm dịch vụ cơ giới hóa ở các khu vực lân cận.
Nghề nuôi tôm ở 270 ha mặt nước ở Phước Sơn, nhất là 52 ha nuôi tôm thẻ chân trắng quanh đầm Thị Nại, có lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cùng nông dân đều bày tỏ chung một quan điểm: Không phát triển con tôm theo số lượng mà tập trung tìm giống tôm cho chất lượng cao để xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong đào tạo việc làm cho lao động nông thôn, Phước Sơn chỉ tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
Nhờ tập trung tìm tòi, thử nghiệm các mô hình sản xuất mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất mà thu nhập của nông dân Phước Sơn hiện đạt 26 triệu đồng/người/tháng, gấp 3 lần so với 3 năm trước đây. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%, bằng một nửa tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước.
Đời sống vật chất được nâng cao, người dân đã chủ động đóng góp tiền, ngày công để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có chợ Phước Sơn rộng 2.000 ha hay trường mầm non chăm sóc 150 em nhỏ…
Chủ tịch UBND xã Phước Sơn Nguyễn Đình Hòa cho biết, xã sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển sản xuất bằng việc lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu để tận dụng vốn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra các giống cây, vật nuôi mới có hiệu quả hơn.
Sản xuất nông nghiệp phải chắc chắn, đi vào thực chất cũng là quan điểm thực hiện NTM ở Phước Sơn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Hòa cho biết: “Làm tiêu chí nào chắc tiêu chí ấy”.
Khi xây dựng NTM cách đây 3 năm, xã mới chỉ có 5 tiêu chí, nhưng tới nay, nhờ tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí. Theo kế hoạch, năm 2020 xã mới hoàn thành 19 tiêu chí nhưng chính quyền xã đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2016.
Nhằm đảm bảo thực hiện Chương trình, Phước Sơn mong muốn được hỗ trợ kinh phí củng cố đê biển, cung cấp nước sạch và xử lý vệ sinh môi trường của địa phương.
Trực tiếp tới chân ruộng, bờ đầm thăm các mô hình sản xuất của nông dân, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả mà xã Phước Sơn thực hiện xây dựng NTM, đồng tình với định hướng của xã trong tương lai.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành của tỉnh Bình Định cần phối hợp chặt chẽ với xã Phước Sơn nói riêng và các xã xây dựng NTM của tỉnh nói chung để triển khai xây dựng NTM, nhất là trong quy hoạch sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bền vững ở nông thôn.
Địa phương cần phát huy được tính chủ động của bà con trong xây dựng NTM, nhưng không được bắt buộc huy động sức đóng góp của nhân dân, đảm bảo mức đóng góp tương ứng với khả năng của bà con.
“Xây dựng NTM là một quá trình kiên trì, liên tục để ngày càng nâng cao đời sống của nhân dân, không phải có đủ 19 tiêu chí là không thực hiện nữa”, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương.
Được biết, toàn tỉnh Bình Định có 122 xã xây dựng NTM, đảm bảo đủ 20% số xã hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015. Một nửa tổng số xã trên địa bàn sẽ hoàn thành nông thôn mới sau năm 2020.
Thành Chung
Theo chinhphu.vn