Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không tạo ra một khuôn mẫu nông thôn mới
- Thứ năm - 09/03/2017 09:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Số lượng đô thị nhỏ trên địa bàn cấp huyện hiện còn quá ít, bình quân cả nước có 1,157 đô thị/huyện. Tỷ lệ dân số đô thị của các đô thị loại V trên tổng dân số đô thị của cả nước chỉ đạt khoảng 13,73% cho thấy dân số đô thị chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn. Tỷ lệ đô thị hóa chung của cả nước năm 2014 đạt 33,4%, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện của cả nước đạt 11,1% (không bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố, thị xã).
Hệ thống điểm dân cư nông thôn hiện nay được phát triển trên nền tảng cũ một cách tự phát, cơ bản mang đặc điểm phù hợp với nền sản xuất nhỏ, phương tiện lao động thô sơ (manh mún, phân tán...) chưa được tổ chức để phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, chưa đáp ứng tốt tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Vì vậy, xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện phải hướng tới hình thành môi trường dân cư và cơ sở hạ tầng phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Việc xây dựng nông thôn mới này phải định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Để tránh việc các địa phương triển khai thực hiện Đề án tràn lan, dẫn tới các huyện tập trung đầu tư quá mức để phấn đấu đạt mục tiêu, gây áp lực lớn cho ngân sách, Đề án đã giới hạn phạm vi, quy mô thực hiện cho 8 huyện điển hình của các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Dương và Cần Thơ.
Thống nhất cao với nội dung của Đề án, đại diện các địa phương cho rằng Đề án càng sớm triển khai càng tốt. Đô thị hóa khu vực nông thôn phải hướng tới “đô thị xanh”, có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trên địa bàn hiện có 255/386 xã nông thôn mới (chiếm 66%) và 2 huyện nông thôn mới. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 có 10 huyện nông thôn mới. Hiện toàn bộ 386 xã đã được phê duyệt quy hoạch, nhưng việc gắn với đô thị hóa chưa đậm và sâu. Hà Nội đang phải trả giá vì điều này. Nhiều nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng vẫn là cấp làng, xã, phố trong làng, phố nghề, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Nhiều xã, phường đã phải làm lại quy hoạch, gây tốn kém.
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, khi làm quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt, địa phương này đã phải điều chỉnh quy hoạch của các xã sẽ sáp nhập vào thành phố để lập nên mô hình “làng đô thị xanh”.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần rà soát lại tên gọi, cách tiếp cận, nội hàm của Đề án cũng như địa bàn chọn thí điểm. Cần chỉnh lý để thể hiện được quan điểm của Đảng là xây dựng nông thôn mới, phát triển nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, công nghệ thông tin hóa. Quá trình này biện chứng và gắn chặt với nhau, nhất là khi định hướng phát triển mở rộng, tỷ lệ đô thị và dân cư đô thị ngày càng tăng, dân cư nông thôn trở thành thành thị. Đề án sẽ là cơ sở định hướng cho các địa phương trong việc gắn xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa.
Thực tế có vùng nông thôn “sau một đêm thành quận, phường” như huyện Từ Liêm của Hà Nội, nhưng hạ tầng đường sá được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây lãng phí, Phó thủ tướng cho rằng đô thị hóa không chỉ là các thiết chế về phần “cứng”- kết cấu hạ tầng giao thông, mà cả thiết chế “mềm” về sản xuất.
Theo Phó thủ tướng, Đề án cần định hướng các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa giai đoạn 2016-2020, trong đó cốt lõi là gắn nông thôn mới với đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện, hay tại các đơn vị hành chính cấp xã được nâng lên thành cấp phường.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm rõ căn cứ để xây dựng Đề án dựa trên các nghị quyết của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, chiến lược phát triển đô thị và quy hoạch phát triển đô thị, khung khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các tư tưởng chính của dự án Luật Quy hoạch mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thảo luận.
Việc thực hiện Đề án sẽ theo nguyên tắc thị trường, huy động nguồn lực từ người dân và ngân sách của địa phương là chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện, không tạo ra một khuôn mẫu nông thôn mới.