Phong trào xây dựng nông thôn mới ở quê hương cách mạng

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở quê hương cách mạng
Vinh dự và tự hào vì năm xưa, quê hương mình được chọn là căn cứ địa cách mạng - Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến là cảm xúc chung của người dân và lãnh đạo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (nơi được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước) trong ngày Quốc khánh 2-9.

Những con đường rợp cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên từng ngôi nhà người dân… là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm về huyện Sơn Dương trong ngày Quốc khánh. Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào Hoàng Như Loan tự hào giới thiệu: Sơn Dương là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng. 

Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. 

Tại đây, đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8-1945, như: hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca; dưới gốc đa Tân Trào lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị giải phóng tiến về Hà Nội, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Chủ tịch UBND xã Tân Trào Trần Đức Hạnh cho biết: Tinh thần Cách mạng Tháng Tám quật khởi luôn là mạch nguồn bất tận, thấm sâu vào ý chí, tình cảm mọi người dân Tân Trào, từ đó tạo động lực để người dân xây dựng quê hương. 

Hiện nay, Tân Trào đã là xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 80% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 16%, đến nay giảm còn 3%); trên 95% hộ gia đình được sử dụng điện an toàn; 100% số trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia...

Đến Sơn Dương trong ngày Quốc khánh năm nay, sự đổi thay nhìn thấy rõ, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa đến từng nhà, chợ trung tâm các xã lúc nào cũng tấp nập người mua, người bán. Điều đáng chú ý nhất về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Sơn Dương là các địa phương trong huyện đã biết phát huy sức dân để xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn huyện đã làm được trên 760km đường bê tông nông thôn, với tổng nguồn lực huy động trên 400 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 200 tỷ đồng, bằng 50%...

Huyện Sơn Dương phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm; trên 90% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt từ 60% trở lên, trong đó đào tạo nghề đạt trên 40%; giải quyết việc làm cho 23.000 lao động… để xứng đáng là quê hương cách mạng giàu truyền thống.

Theo CAND