Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Phú Ninh đã đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,5 lần so với khi mới chia tách huyện của 10 năm trước.
Ông Nguyễn Phi Thạnh- Chủ tịch UBND huyện cho biết, Phú Ninh có tiềm năng, lợi thế về đất đai nên việc phát triển nông nghiệp (NN) khá thuận lợi. Nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển NN đã được huyện cụ thể hóa và triển khai sâu rộng. Đến nay, toàn huyện đã dồn điền đổi thửa hơn 2.486ha và hỗ trợ mua máy móc phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất hơn 70%. Trong đó, nhờ chủ động nguồn nước tưới (khoảng 3.200ha) và ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng suất lúa bình quân của Phú Ninh tăng từ 51,31 tạ/ha năm 2005 lên 59,54 tạ/ha năm 2014. Giá trị sản xuất NN tăng bình quân hàng năm hơn 5,5%, đến cuối năm 2014 đạt hơn 977 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2005. Trong đó, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 35,9% năm 2005 lên 47,3% năm 2014. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM trong 4 năm là 705 tỷ đồng. Đã có 3 xã (Tam Phước, Tam Thành, Tam An) được công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với NN, lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ được xác định ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Từ chỗ chỉ có một cụm công nghiệp với 2 dự án đầu tư, đến nay huyện đã hoàn thành quy hoạch 1 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp và một số làng nghề… Huyện đã thu hút 14 dự án đăng ký đầu tư, góp phần tăng giá trị công nghiệp - thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 40% năm 2005 lên gần 80% năm 2014. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp - thương mại - dịch vụ bình quân trên 24,8%/năm, giá trị của ngành đạt trên 1.296 tỷ đồng. Thương mại dịch vụ tăng bình quân 22,7%/năm, giá trị ngành từ 31 tỷ nay đã đạt 952 tỷ đồng, tăng 30,7 lần so với năm 2005. Thu ngân sách tăng gấp 6 lần so với năm 2005.
Chủ tịch nước vừa trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho cán bộ và nhân dân huyện Phú Ninh nhân kỷ niệm 10 năm tái lập huyện này (1.2005 – 1.2015).
Nguồn: danviet.vn