Phú Vinh, cần lắm sự đầu tư

Phú Vinh, cần lắm sự đầu tư
Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) gần như từ con số không, đến nay, xã Phú Vinh (Tân Lạc - Hòa Bình) đã đạt 6/19 tiêu chí. Tuy vậy, xã vẫn còn nhiều khó khăn để hoàn thành chương trình, rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên.

Trường tiểu học Phú Vinh được đầu tư xây mới.

Phú Vinh thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Lạc với địa bàn rộng, diện tích tự nhiên 3.656,15 ha, có 12 thôn thì 11 thôn thuộc vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn), còn lại 1 thôn thuộc vùng 2, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 48,6%, tương đương 454 hộ; cận nghèo 145 hộ, chiếm 15,5%.

Những năm gần đây, thực hiện chương trình XDNTM, nhận được sự quan tâm Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo các cấp, nguồn vốn đầu tư XDNTM của Nhà nước, của tỉnh, huyện, hệ thống hạ tầng nông thôn của xã từng bước được đổi mới, đặc biệt các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa.

 Giai đoạn 2011 - 2015, từ nguồn vốn XDNTM, xã đã bê tông hóa đạt chuẩn 6km đường trục xã; 11,1km đường trục xóm; 4,7km đường ngõ xóm, nội đồng được 1,98km. Năm 2016, xã làm thêm 5 tuyến đường từ nguồn vốn giảm nghèo giai đoạn 3 cho các công trình dân sinh xóm Đung II, xóm Kè, xóm Ưng, xóm Ngau, xóm Giác.

Ngoài ra, xã cũng xây dựng mới được 5,1km kênh mương; xây mới 1 trường mầm non, sửa chữa 2 phòng của trường tiểu học, sửa chữa trạm y tế. Đến nay, 100% số hộ trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia, an toàn từ các nguồn; 97,7% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non đang phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2017. Hiện, xã có 7/12 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa và trên 70% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Xác định một trong những mục tiêu quan trọng của XDNTM là nâng cao đời sống, đem lại thu nhập cao cho người dân nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững, ông Bùi Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển  kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa cây con, giống mới chất lượng cao vào sản xuất như: chăn nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc, nuôi dê, trồng mía tím… Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 10 - 11,5%/năm, thu nhập bình quân tăng đáng kể, từ 9,5 triệu đồng/người năm 2011 lên 12,5 triệu đồng/người năm 2016.

Anh Cát Văn Hải ở xóm Kè chăm sóc  ruộng của gia đình.

 Chúng tôi gặp anh Cát Văn Hải, ở xóm Kè đang chăm sóc ruộng mía của gia đình, anh Hải cho biết: Nhờ chuyển đổi sang trồng mía tím, kinh tế gia đình khấm khá hẳn lên. Năm 2016, anh đầu tư trồng 0,5ha mía, cho thu hoạch khoảng 40.200 cây, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ (vụ mới và vụ gốc) với giá từ 8.000 - 8.500 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi khoảng 200 triệu đồng.

Anh Đinh Công Lịch, cũng ở xóm Kè, cho biết: Mía đã trở thành cây mang lại thu nhập chính của gia đình. Ngoài ra, gia đình anh còn đầu tư nuôi thêm 1 đàn dê, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu nhập 60 triệu đồng/người/năm.

Để hoàn thành thêm nhiều tiêu chí NTM, từ đó thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, ông Tân nói: “Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Phú Vinh mong nhận được sự quan tâm hơn nữa từ phía Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo, các nhà tài trợ dự án, hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương”.

Theo: Đức Sơn/kinhtenongthon.com.vn