Phú Xuyên: Hiệu quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới
- Thứ ba - 27/08/2019 18:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phú Xuyên chú trọng phát triển làng nghề truyền thống
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác; đã có nhiều tiến bộ như đổi mới tư duy sản xuất, quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị và người dân; hoàn thành cơ bản công tác dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; hình thành hệ thống quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất dần đi vào nề nếp; đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực, hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... Thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất, 100% xã, thị trấn thực hiện mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 95 trang trại đạt tiêu chí mới (tăng 61 trang trại so với năm 2010). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2018 là 1.892 tỷ đồng, so với năm 2010 tăng 30,4%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha đạt 104,7 triệu đồng/ha, tăng 16,9 triệu đồng so với năm 2010.
Đến nay, toàn huyện đã có 20/26 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM; 06 xã đạt và cơ bản đạt 17-18 tiêu chí. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ năm 2010 đến quý 2 năm 2019 là 3.354.591 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Thành phố 1.440.409 triệu đồng; Ngân sách huyện 1.207.947 triệu đồng; Ngân sách xã 203.911 triệu đồng; Vốn doanh nghiệp 349.914 triệu đồng; Huy động dân đóng góp 138.011 triệu đồng; Nguồn khác 14.309 triệu đồng. Kết quả huy động 2016-2019 là 2.019.041 triệu đồng (chiếm 60,6%) tăng hơn giai đoạn 2010-2015 là 888.428 triệu đồng.
Nhân dân cùng chung tay dọn vệ sinh môi trường
Trong việc nâng cao đời sống nông dân, nhân dân đã có cuộc sống tốt hơn cả vật chất và tinh thần, quyền làm chủ, vai trò chủ thể ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đến 2019 đạt 42,6 triệu đồng/người/năm (tăng 27,1 triệu đồng so năm 2010); đã xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo 2,07%; tỷ lệ các hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh 100 (trong đó nước sạch 41,8%); 100% các Trạm Y tế xã đã có bác sỹ nên công tác khám chữa bệnh cho nông dân được nâng lên; môi trường, cảnh quan nông thôn được cải thiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ; chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đạt những kết quả quan trọng tạo cho nông dân sự phấn khởi, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng NTM ở huyện Phú Xuyên vẫn gặp một số tồn tại khó khăn như sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn chưa nhiều; chưa phát triển rộng rãi mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã để sản xuất tiêu thụ nông sản; công tác quản lý quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở một số xã còn hạn chế. Việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho công tác xây dựng NTM bằng nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều. Tình trạng ô nhiễm làng nghề, công tác vệ sinh môi trường nông thôn chậm được khắc phục. Đời sống và thu nhập của nông dân ở một số xã thuần nông còn thấp, chưa ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng nông thôn vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân nhất là các cơ sở phục vụ cho hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp; quy ước nông thôn mới đã xây dựng, nhưng việc quán triệt triển khai hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, trong thời gian tới, huyện tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển công trình giao thông, trường học, thiết chế văn hoá và các công trình bảo vệ môi trường; tạo nguồn lực để tái đầu tư phát triển và nâng cao đời sống nông dân. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung phát triển làng nghề truyền thống có lợi thế gắn với du lịch làng nghề; mở rộng đầu tư và phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, công nghệ cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả về sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, làng nghề; đảm bảo kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững. Chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy, phát triển văn hoá, đặc biệt là những giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao chất lượng thực hiện quy ước xây dựng NTM; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Theo Trường Giang/Hanoi.gov.vn