Phú Yên: Kiên trì xây dựng nông thôn mới

Sau 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) (2011-2014), bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên đã có những đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại.
 
 
Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở tỉnh Phú Yên đã có nhiều đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao.
3 năm qua, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là 18.726 tỉ đồng, trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn vay ODA, trái phiếu Chính phủ là 4.453 tỉ đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư trên 583 tỉ đồng; vốn huy động đóng góp của các tổ chức, cộng đồng dân cư trên địa bàn là 1.275 tỉ đồng. Trong đó, nổi lên có điểm sáng về Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn phát triển, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong năm 2013, nhân dân đã đóng góp trên 100 tỉ đồng, 250 nghìn ngày công, hiến 210 nghìn m2 đất và nhiều tài sản trên đất như hoa màu, tường rào… để thực hiện hoàn thành 380 km đường bê tông giao thông nông thôn.
 
Sau 3 năm, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
 
Tuy nhiên, dù công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so với kế hoạch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 xã đạt 16 tiêu chí, 24 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 51 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 12 xã đạt từ 3 - 4 tiêu chí. 
 
Để giải quyết những khó khăn này, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt  cho biết, Phú Yên đã đặt quyết tâm thực hiện 3 nhiệm vụ có tính đột phá, đó là: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nam Phú Yên và một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; tạo một bước chuyển biến trong việc thực hiện mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp và nông thôn; đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng như phấn đấu giải quyết khó khăn của tỉnh đến hết năm 2017. 
 
Để thực hiện được những mục tiêu này, tỉnh Phú Yên cũng đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành Trung ương về việc Hỗ trợ kinh phí để chống hạn cho vụ lúa năm 2014 và tạo nguồn nước, cấp sinh hoạt cho dân cư, hỗ trợ kinh phí đầu tư Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở tại khu vực xóm Rớ, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa. Giải quyết vốn vay thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn năm 2014 và hỗ trợ đầu tư Dự án Hồ chứa nước Lỗ Chài (Phú Hòa).
 
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Phú Yên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã thị sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Yên. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Việc triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới không nên nóng vội, không chạy theo thành tích nhưng cũng phải triển khai thực hiện một cách kiên trì, lâu dài, giúp các xã phấn đấu tăng các tiêu chí; huy động vốn từ dân để xây dựng nông thôn mới cần phải vừa sức dân và phù hợp với tình hình của địa phương. Trong đó tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao nên cần, thực hiện giảm nghèo từng bước, giúp thoát nghèo bền vững nhằm tránh tái nghèo, thực hiện theo hướng "bớt cho không, tăng cho vay” và không chỉ giúp hộ nghèo mà cần giúp đỡ hộ cận nghèo.
 
"Nếu chỉ đầu tư cho hạ tầng tốt, khang trang, mà bà con vẫn nghèo, đói thì đó chưa phải là nông thôn mới, các cấp chính quyền của tỉnh Phú Yên phải lập quy hoạch sản xuất có tầm nhìn xa, xác định cây, con chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”, Phó Thủ tướng khẳng định. 
 
Văn Nhất
Nguồn daidoanket.vn