Phụ nữ Lâm Xuyên - gương sáng năng động phát triển kinh tế

Phụ nữ Lâm Xuyên - gương sáng năng động phát triển kinh tế
Hội Phụ nữ xã Lâm Xuyên (Sơn Dương, Tuyên Quang) hiện có 390 hội viên tham gia sinh hoạt tại 6 chi hội. Để hoạt động hội thu hút được chị em tham gia, Hội LHPN xã đẩy mạnh tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế.

Hội LHPN xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 2 tỷ đồng cho 92 hội viên vay; phối hợp vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hội viên…

 phu nu lam xuyen - guong sang nang dong phat trien kinh te hinh anh 1

Chị Đỗ Thị Hoa, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phú Thọ 1, xã Lâm Xuyên (Sơn Dương) chăn thả đàn dê của gia đình.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của phụ nữ xã đã và đang đem hiệu quả trong phát triển kinh tế, điển hình như mô hình trồng thanh long của chị Ngô Thị Lai và mô hình trồng bưởi của chị Vũ Thị Hoa, Chi hội Phú Thọ 2. 

Chị Vũ Thị Hoa cho biết, trước đây trên diện tích vườn 1 ha, chị trồng sắn rồi lại trồng mía, nhưng kém hiệu quả. Gia đình chị đã quyết định chuyển sang trồng bưởi diễn tép vàng và bưởi da xanh. Sau 4 năm trồng, năm 2016, chị đã thu được gần 20 triệu đồng. Bên cạnh cây bưởi, gia đình chị Hoa phát triển chăn nuôi lợn, gà. Những năm trước chị thu lãi 100 triệu đồng/năm. Năm nay lợn xuống giá, nên chị đầu tư chăn nuôi gà nhiều hơn.

Chị Đỗ Thị Hoa, thôn Phú Thọ 1 là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Trước đây, dù đất đai nhiều, song do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên gia đình chỉ đủ ăn. Từ khi sinh hoạt hội, chị được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, chị đã thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Năm 2012, chị mua 5 con dê giống về chăn thả, vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm, đàn dê phát triển tốt, mỗi năm sinh sản 2 lứa, đến nay đã có 32 con. Mỗi năm từ việc bán dê giống và dê thịt chị cũng thu về trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn nuôi bò sinh sản, cấy lúa… 

Hội LHPN xã còn đẩy mạnh phong trào giúp đỡ các hộ gia đình hội viên nghèo về vốn, ngày công lao động, thăm hỏi động viên khi hội viên gặp khó khăn, đau ốm. Năm 2016, Hội đã giúp 6 gia đình hội viên thoát nghèo. Chị Trịnh Thị Kiều, chi hội Quyết Thắng là hộ nghèo.

Năm 2015, chị Kiều đã được vay ngân hàng 30 triệu đồng, cùng với nguồn vốn hỗ trợ vay không lãi suất của phụ nữ xã, vốn tích cóp của gia đình, chị Kiều đã đầu tư máy sản xuất gạch xi măng tạo việc làm ổn định cho 3 lao động trong gia đình. Năm 2016 gia đình chị đã thoát nghèo. 

Sự chủ động, năng động của từng hội viên cộng với sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, đến nay toàn hội đã có 15 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh phát triển kinh tế, các hội viên còn tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới bằng việc đóng góp hàng trăm ngày công lao động làm 2,5 km  đường bê tông nội đồng, xây dựng các công trình công cộng. 

 
Theo Trang Tâm (Báo Tuyên Quang)