Phụ nữ phát triển chăn nuôi xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ phát triển chăn nuôi xây dựng nông thôn mới
Phụ nữ đã mạnh dạn tham gia vào công tác xây dựng nông thôn mới với các phong trào khác nhau và cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

Thay đổi tiêu chí giáo dục

 

Ngõ xóm được các chị em phụ nữ vệ sinh sạch sẽ đưa nông thôn sang diện mạo mới

Hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Kinh huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã chủ động lồng ghép các tiêu chí nông thôn mới (NTM) vào các hoạt động.

 
 

 

Chị Vũ Thị Duyên - chủ tịch Hội phụ nữ xã chia sẻ thực hiện cuộc vận động “5 không” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học) và “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) gắn với xây dựng NTM, Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho hội viên thông qua hệ thống truyền thanh và các buổi sinh hoạt tổ hội. 

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội phối hợp với Hội Nông dân xã và các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, đào tạo việc làm thường xuyên cho hội viên. Đồng thời, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước kia, chị em thường không quan tâm tới việc học hành của con, nhiều trẻ đi học nhưng bỏ học đi chơi thì đến nay các chị em đã không dung túng, lơ là, chủ quan để con nghỉ học, bỏ học. Nhiều chị em cố gắng tranh thủ đưa đón con đến trường. Chị Vũ Thị Tiệp đang đợi con học ở trưởng tiểu học chia sẻ ngày nào đi làm chị cũng cố gắng sắp xếp công việc về đưa đón con đi học và gặp cô giáo trao đổi tình hình học tập của con. Chị cho biết các con học hành chăm ngoan thì chồng chị mới yên tâm đi làm xa.

Tại xã Đông Kinh, chị em phụ nữ thường tổ chức các chuyên đề “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” và “Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ”, Hội đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với Trạm Y tế xã và các trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện tốt các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa.
 

Vệ sinh môi trường

Hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm luôn được chi hội phụ nữ các thôn duy trì, mô hình xử lý, phân loại rác thải do chị em phụ nữ tự nguyện tham gia. Rác thải được tập kết đúng nơi quy định, kênh mương, cống rãnh được nạo vét, khơi thông, đường làng, ngõ xóm luôn phong quang, sạch đẹp.
 
Bà Nguyễn Thị Miền – thành viên của nhóm vệ sinh môi trường xã chia sẻ hàng tuần hai phụ nữ trong thôn sẽ đảm nhiệm thu gom rác của thôn và đưa về bãi tập kết đã được xây dựng tương quây trước đó. Bà Miền cho biết việc dọn vệ sinh làng xóm cũng được chị em phụ nữ chủ động.
 

Ngày trước, dù có đội dọn vệ sinh thì các gia đình vẫn đổ rác ra đường, ra kênh mương nhưng giờ đây nhà nào cũng có thùng rác. Những quy định về tập kết rác, giữ gìn vệ sinh làng xóm thường được chị em phụ nữ thẳng thắn góp ý với nhau trong các buổi họp phụ nữ. Nhờ thế, ai cũng ý thức được rác thải và bảo vệ môi trường.

Những người làm nhiệm vụ dọn rác sẽ dọn vào sáng chủ nhật hàng tuần. Nhiều gia đình đóng cửa, các chị phải gõ cửa xem có rác không còn chở đi ra bãi tập kết cách xa khu dân cư hơn 1km. 
Phí vệ sinh môi trường là 3000 đồng/tháng với mỗi hộ gia đình. Phí vệ sinh này sẽ cộng trực tiếp vào hóa đơn tiền điện hàng tháng của mỗi nhà nên hầu như không có ai né chuyện phí vệ sinh. Nhờ thế, họ cũng ý thức được việc để rác có người đến tập kết thay vì ném ra đường, mương, sông quanh nhà như trước.

Theo Ph. Thúy/http://infonet.vn