Phúc Khánh chuyển mình

Phúc Khánh chuyển mình
Nằm cách trung tâm huyện khoảng 6 km về phía Nam, tiếp giáp với các xã Đồng Lạc, Thượng Long, Đồng Thịnh và cả xã Thu Ngạc của huyện Tân Sơn, Phúc Khánh vốn được coi là một xã nghèo của huyện Yên Lập, được hưởng chương trình 229 của Chính phủ. Tuy nhiên, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn Phúc Khánh đã có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào các dân tộc trong xã từng bước được cải thiện và nâng cao, bức tranh tổng quát về KT-XH của xã đã thêm nhiều mảng màu tươi sáng. Một trong những yếu tố tạo động lực để Phúc Khánh chuyển mình chính là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

KT-XH phát triển, bộ mặt nông thôn Phúc Khánh ngày càng khởi sắc.
KT-XH phát triển, bộ mặt nông thôn Phúc Khánh ngày càng khởi sắc.

Ông Đinh Xuân Trường- Chủ tịch UBND xã cho biết: Phúc Khánh có diện tích đất tự nhiên 2.501ha, được chia thành 14 khu hành chính; toàn xã có 1.561 hộ với 6.578 nhân khẩu thường trú. Về cơ cấu dân số, xã có tới 11 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 87%. Do có xuất phát điểm thấp lại là địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế với không ít tập quán sản xuất còn lạc hậu nên trước đây, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ thực trạng trên, Đảng uỷ xã đã có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng thêm hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là mô hình kinh tế hộ phát triển...

Trong hướng đi của mình, bên cạnh đẩy mạnh thâm canh trên 480ha lúa, hơn 200 ha ngô và hàng trăm ha cây sắn, lạc, khoai lang, rau mầu các loại nhằm đảm bảo an ninh lương thực của địa phương, áp dụng tốt chương trình SRI về “3 tăng, 3 giảm” như tăng năng suất, tăng sản lượng, giảm khối lượng lúa giống, giảm chi phí và ngày công lao động, Phúc Khánh đã tập trung phát triển 140 ha cây chè chất lượng cao, cho năng suất khoảng 65 tạ/ha với sản lượng hơn 700 tấn mỗi năm. Theo lộ trình đến năm 2015, Phúc Khánh phấn đấu 100% diện tích trồng chè sẽ canh tác chè lai để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Điển hình như khu dân cư xóm Xẻn- nơi có 121 hộ gia đình với 520 nhân khẩu đã có nhiều hộ chuyển sang mô hình trồng 40 ha chè chất lượng cao, cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/năm, cao hơn thu nhập bình quân đầu người của xã. Anh Nguyễn Công Lý - Trưởng khu dân cư xóm Xẻn chia sẻ: “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động; hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT mới cho các hộ trồng chè, đặc biệt quan tâm đến chất lượng chè sạch nhằm đảm bảo uy tín và nhân rộng hơn nữa mô hình phát triển kinh tế hiệu quả này”.

Cùng với chuyển đổi sang mô hình phát triển cây chè, Phúc Khánh cũng đầu tư đáng kể cho vùng cây nguyên liệu như trồng cây keo lai với diện tích hơn 800 ha (bao gồm cả 370 ha của Công ty lâm nghiệp Yên Lập) để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, Đảng uỷ- UBND xã chủ trương đẩy mạnh chăn nuôi, kết hợp giữa chăn nuôi phục vụ sức kéo cho sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Nếu như năm vừa qua, tổng đàn trâu bò của xã đạt 1.387 con, tổng đàn lợn 5.250 con, gia cầm 47.900 con, đàn dê 350 con, sản lượng đánh bắt cá hơn 170 tấn với 65 ha diện tích mặt nước thì đến năm nay con số đó đã tăng cả về số lượng và chất lượng.

Mặc dù  chủ yếu là địa bàn sản xuất nông nghiệp song Phúc Khánh cũng ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, các ngành nghề dịch vụ như sản xuất VLXD, xay sát, chế biến lương thực thực phẩm, gò hàn, nghề mộc, kinh doanh, buôn bán, đáp ứng và phục vụ kịp thời nhu cầu của xã hội. Anh Hoàng Kim Cương- Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết: Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, không chỉ tập trung cho sản xuất nông nghiệp, xã luôn tạo điều kiện để thương mại, dịch vụ và các ngành nghề phát triển. Vì vậy, chỉ tính riêng giá trị thương mại và dịch vụ trên địa bàn xã năm qua đã đạt con số gần chục tỷ đồng.

Từ chuyển đối cơ cấu kinh tế, đời sống vật chất- tinh thần của người dân Phúc Khánh đã từng bước được cải thiện và nâng cao, nhân dân phấn khởi, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động xã hội như đóng góp xây dựng nhà văn hoá khu dân cư, tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới,  giữ gìn ANTT, bài trừ TNXH. Theo bà Đinh Thị Thu- Bí thư chi bộ khu xóm Cả, do làm tốt công tác xã hội hoá nên cách đây 5 năm khu đã xây dựng được nhà văn hoá trị giá hàng trăm triệu đồng. Còn theo ông Hà Mạnh Hùng- nguyên Trưởng khu dân cư xóm Minh Thượng, nhiều năm liền trong khu không có TNXH. Đặc biệt, 3 dòng họ là họ Hà, họ Đinh, họ Phùng đã xây dựng quy chế của dòng họ, vận động tốt con cháu không vi phạm TNXH, được đi báo cáo điển hình cấp tỉnh. Chung tay xây dựng nông thôn mới, ở khu xóm Vông 2 đã có 5 hộ tự nguyện hiến 2.000m2 đất để làm đường với giá trị đền bù khoảng 500 triệu đồng, trong đó ông Hoàng Văn Giá hiến gần 400m2 đất...

Tiến Dũng (baophutho.vn)