Phúc Thịnh, điểm sáng trong XDNTM Phúc Thịnh, điểm sáng trong XDNTM
- Thứ ba - 30/10/2018 23:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phúc Thịnh nằm ở phía Nam, cách trung tâm huyện Ngọc Lặc 26km, có 3 dân tộc: Kinh, Mường, Thái cùng sinh sống. Xã bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2013; tới năm 2016, thoát khỏi xã 135. Đến nay, Phúc Thịnh đạt 17/19 tiêu chí. Để được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018, các tiêu chí còn lại là giao thông và môi trường đang được xã tập trung hoàn thiện.
Ông Lê Bá Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã, phấn khởi cho hay: Đạt được kết quả như trên là nhờ sự giúp đỡ trực tiếp từ phía lãnh đạo các ban, ngành huyện và sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND xã, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự vào cuộc của nhân dân trong triển khai thực hiện XDNTM.
Tập trung XDNTM
Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo NTM xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết về thời gian, giải pháp đồng bộ thực hiện cho từng nội dung của các tiêu chí NTM; phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, công chức. Đồng thời, mở lớp tập huấn và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí NTM đến từng hộ và yêu cầu gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện…
Đến nay, Phúc Thịnh đã thực hiện được 7,74/9,64km đường trục xã và 8,15/15,84km đường nội thôn với tổng kinh phí trên 19.833 triệu đồng (trong đó, sức dân được huy động, nhân dân hiến 2,3ha đất, hơn 5000 cây cối các loại, phá dỡ 670m tường rào và 7.435 triệu đồng tiền mặt); xây dựng kiên cố 2 hồ đập và 3,49km kênh mương; xây dựng trạm y tế 2 tầng khang trang, đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh ban đầu cho người dân; 3/3 khối trường học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ II; 8/8 làng có cổng chào được xây dựng, kèm theo 5,58km hệ thống đường điện chiếu sáng khu dân cư; 320 lò đốt rác mini được hình thành; 7/8 làng đạt Làng văn hóa; bình quân các làng đạt 11,5 tiêu chí NTM, xã có 3/8 làng đạt chuẩn NTM (4 làng đang chờ thẩm định đạt chuẩn NTM)…
“Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Phúc Thịnh còn chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ… bởi XDNTM phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, ông Ngọc nói.
Phát triển sản xuất
Phúc Thịnh có trục đường liên xã xuyên suốt với các xã phía Nam của huyện. Bên cạnh đó, Cụm công nghiệp Phúc Thịnh được hình thành trên địa bàn là điều kiện thuận lợi, tạo đà cho kinh tế phát triển cũng như chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng ngân sách cho địa phương.
Nắm bắt lợi thế, bước đầu xã thực hiện kêu gọi thu hút được 4 doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trên địa bàn như: nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy phân bón, công ty chăn nuôi, công ty xây dựng; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, tạo tiền đề phát triển các vùng cây nguyên liệu, đặc biệt là cây sắn. Ngoài ra, diện tích trồng luồng, keo, xoan lát, mía, cam… và các mô hình gia trại tập trung đã mang lại thu nhập cao cho người dân.
Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã ở mức 44,02%; thu nhập bình quân đầu người 11 triệu đồng. Thì nay, đến tháng 6/2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,02%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 34,5 triệu đồng. Mức sống được nâng lên, xã không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát, số nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 93%; quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định .
“Nhiều năm liên tục Đảng bộ, chính quyền xã được Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua; được Đảng bộ huyện, UBND huyện tặng Giấy khen. Và đặc biệt, năm 2012, xã vinh dự được nhận Bằng khen của Chính phủ; năm 2018 được UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Thịnh”, ông Ngọc cho biết thêm.
Theo kinhtenongthon.vn