Phum sóc đổi thay

Phum sóc đổi thay
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer, chiếm đến hơn 30%. Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Nhà nước và địa phương đầu tư cơ sở vật chất mà diện mạo phum sóc đã có nhiều đổi thay tích cực. Đời sống đồng bào Khmer địa phương ngày càng được cải thiện…

Chị Thạch Chanh Sa Mi vươn lên nhờ nguồn vốn hỗ trợ.

Đợt lễ tết Sene Dolta năm nay gia đình chị Thạch Chanh Sa Mi, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) vui hơn bao giờ hết, cả nhà vừa hồ hởi đón tết vừa phấn khởi trong căn nhà mới còn thơm mùi vôi vữa.

Chị Thạch Chanh Sa Mi chia sẻ, gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo, thu nhập rất bấp bênh, cả gia đình dựa cả vào 3 ha lúa, nhưng rồi có vụ được, có vụ thất, không có đồng dư nào.

Đầu năm 2016, được sự giúp sức của chính quyền địa phương, gia đình đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi là 20 triệu đồng để phát triển sản xuất. 

Từ nguồn vốn hiện có, biết tiết kiệm, tích luỹ làm ăn, đầu tư xoay vòng, lãi mẹ, đẻ lãi con nên hơn 1 năm qua kinh tế gia đình chị Thạch Chanh Sa Mi cơ bản ổn định. Đặc biệt từ số tiền dành dụm gia đình đã xây được căn nhà khang trang. 

Chị Thạch Chanh Sa Mi nói: Các hộ Khmer nghèo cần lắm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cấp chính quyền bởi nhiều hộ có đất đai nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất.

Chúng tôi may mắn được tiếp cận nguồn vốn vay lại được cán bộ động viên, hướng dẫn làm ăn nên có thêm động lực để lao động, sản xuất, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện.

Ông Cao Quốc Dũng, phó bí thư huyện ủy Châu Thành cho biết: Châu Thành là địa phương có khá đông đồng bào Khmer với gần 13.000 hộ, chiếm hơn 33% số hộ của huyện.

Thời gian qua thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã giải ngân hơn 81 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương khó khăn, hỗ trợ đất ở, vốn phát triển sản xuất, nước sinh hoạt…cho đồng bào Khmer.

Nhờ đó, đời sống đồng bào Khmer địa phương ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt trên dưới 34 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu hằng năm giảm ít nhất 5% số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện được việc này Trà Vinh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. 

Trước tiên, tỉnh tiến hành khảo sát toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kinh tế - xã hội nhằm đầu tư hiệu quả hơn.

Đặc biệt những năm gần đây, Trà Vinh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, ưu tiên những công trình, dự án có tác động lớn đến phát triển sản xuất, sinh hoạt, đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Tích cực thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng có đông đồng bào dân tộc để giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề, khuyến khích xuất khẩu lao động. 

Nhờ sự quan tâm cùng với những động viên hỗ trợ của địa phương nên thời gian qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, đậu phộng, bắp lai, trồng cỏ và chăn nuôi đại gia súc…mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, thu nhập, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao gấp hai đến ba lần so với trước đây.

Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm nhanh, bình quân trên dưới 4%/năm.  

Toàn tỉnh có gần 328.000 người là dân tộc Khmer, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2014-2016, có trên 2.000 hộ Khmer không có đất ở được hỗ trợ hơn 728.000 m2 đất với tổng số tiền hơn 65,2 tỷ đồng.

Trung ương phân bổ hơn 137 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng gần 300 công trình hạ tầng trên địa bàn và hỗ trợ hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.

Hàng chục nghìn hộ Khmer được hỗ trợ kéo điện vào nhà. Gần 5.400 hộ nghèo chủ yếu là đồng bào Khmer tại 3 huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Cầu Kè được hỗ trợ sử dụng nước hợp vệ sinh với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng…


Theo: Quốc Trung/daidoanket.vn