Phương thức đưa nông nghiệp Việt cất cánh

Hội nhập kinh tế thế giới sẽ yêu cầu nông dân Việt Nam phải là những nhà nông đổi mới, có trình độ, kỹ thuật cao. Để giúp nông dân có thể tiếp thu những thứ đó, cách đi tắt đón đầu duy nhất là thành lập HTX nông nghiệp việc tiên quyết là phải gắn HTX với doanh nghiệp (DN).

Việc thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới có thể hỗ trợ người nông dân dễ dàng tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu về trình độ, kỹ thuật của Nhà nước.

Đồng thời, việc gắn HTX với DN giúp định hướng và tạo đầu ra cho sản phẩm cũng như cung cấp thêm cho người dân các kỹ thuật mới từ DN, Giáo sư (Gs.) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, nhận định.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Gs.Võ Tòng Xuân cho biết sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế chỉ sau 25 năm. Nguyên nhân là nhờ chính sách phát triển nông nghiệp với lực lượng nông dân hùng mạnh trong hệ thống Liên HTX.

Sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu ngay công cuộc sản xuất lương thực để ngăn ngừa nạn đói lan rộng.

Tất nhiên, thời điểm đó, Nhật Bản có sự giúp đỡ từ các chuyên viên nông nghiệp của Hoa Kỳ. Các chuyên viên này đã đầu tư nghiên cứu khoa học nông nghiệp, phổ biến kỹ thuật trồng cho nông dân, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp.

Song song đó, chính phủ Nhật Bản cũng có chính sách khuyến nông toàn dân, giúp toàn dân nắm được kỹ thuật thích hợp. Việc khuyến nông này được thúc đẩy thông qua tổ chức nông dân vào HTX nông nghiệp và chính phủ Nhật Bản xem HTX nông nghiệp (JA - Japanese Agriculture) là một công cụ của nhà nước trực tiếp giúp nông dân qua tài trợ ngân sách, hướng dẫn kỹ thuật, lập nhà máy chế biến… lập cửa hàng tiêu thụ để xã viên yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

giao-su-vo-tong-xuan-JPG-1422-1536683731

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ, chính phủ Nhật Bản không đủ tài chính để tài trợ cho từng nông hộ, do đó chính phủ đã tài trợ qua hội đoàn của nông dân và để họ tự quản lý vốn dưới sự giám sát của nhà nước.

Để quản lý, chính phủ Nhật đã cho ra đời Luật HTX nông nghiệp, tạo điều kiện pháp lý cho nông dân hợp tác với nhau sản xuất, tự người nông dân nâng cao đời sống của từng hộ gia đình, giúp tăng năng lực sản xuất và đạt mục tiêu phát triển nhà nước.

Kết quả, hệ thống HTX nông nghiệp Nhật Bản đã giúp người nông dân Nhật thoát khỏi cảnh nghèo của những tá điền trong chế độ cũ và ngày nay, những người nông dân này đã trở thành những hộ nông nghiệp giàu có với mức thu nhập ngang hàng, thậm chí cao hơn các công nhân viên chức.

Nhưng quan trọng nhất, các hộ nông dân này luôn bảo đảm an ninh lương thực cho Nhật Bản.

che-moc-chau-JPG-3693-1536683731.jpg

Khu nguyên liệu chè Mộc Châu 

Thay đổi từ người nông dân

Gs.Võ Tòng Xuân cho biết nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp của cả Nhật Bản và Việt Nam đều cho rằng tình hình kinh tế nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang ở vào thời điểm những năm 1947 của Nhật Bản - lúc nông dân, tá điền được chính quyền cấp phát sở hữu ruộng đất từ tay các địa chủ.

Phần lớn người nông dân hiện nay đều làm ăn trên diện tích nhỏ lẻ, manh mún, nên thu nhập đều ở mức thấp, hoặc rất thấp.

Gs.Võ Tòng Xuân nhận định: “Suy cho cùng, cái nghèo của người nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá rẻ mà chi phí lại quá cao, một phần vì chính họ suy nghĩ nhỏ lẻ, thiển cận, chỉ khư khư giữ lấy miếng đất bé nhỏ của mình, không dồn điền đổi thửa để có một trang trại lớn, với những thiết bị kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại”.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nông dân chưa thiết tha gia nhập HTX vì thiếu niềm tin vào HTX và HTX cũng chưa tạo được lợi ích cho nông dân.

Mục tiêu cuối cùng của người nông dân là bán được sản phẩm với lợi ích lớn nhất để làm giàu. Muốn người dân hăng hái tham HTX, các HTX phải tạo điều kiện cho nhà nông bán được sản phẩm. Hay nói cách khác là phải tạo đầu ra ổn định với giá cả hợp lý cho người nông dân. Điều kiện đó chỉ thỏa mãn được khi có sự liên kết chuỗi giá trị giữa các HTX nông nghiệp và DN tiêu thụ.

Muốn đạt được điều đó, Gs.Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước nên tạo các điều kiện ưu đãi đặc biệt đối với nông nghiệp, cả về phía HTX và DN.

Cụ thể, về phía HTX, không nên cưỡng cầu trồng lúa, mà khuyến khích các loại sản phẩm khác; chủ động tạo các vùng nguyên liệu trọng điểm rồi mới thành lập các HTX gắn với chuỗi giá trị và xây dựng các nhà máy xử lý nguyên liệu đầu vào, tổ hợp thành các khu nông, công nghiệp phức hợp.

Về phía DN, nên tạo các điều kiện ưu đãi về vốn, thuế… để kêu gọi đầu tư và trao quyền cho DN điều hành các khu nông công nghiệp phức hợp trên để có các đầu ra phù hợp với thị hiếu thị trường.

Ngoài ra, Gs.Võ Tòng Xuân còn nêu lên các chính sách về xúc tiến thương mại, giáo dục nhân lực cho HTX…

Hồng Nhung/thoibaokinhdoanh.vn