Quả ngọt từ niềm tin
- Thứ ba - 02/08/2016 11:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đam mê và nhiệt huyết
Trí thức trẻ Phan Duy là cử nhân kinh tế nhưng không khỏi bỡ ngỡ về bài toán phát triển kinh tế nơi mình đặt chân đến là xã Long Mai, huyện vùng cao Minh Long. Dẫn chúng tôi thăm mô hình phát triển đàn bò cái lai sinh sản do Dự án Giảm nghèo PRPP, anh bộc bạch: “Nuôi bò lai là nghề xưa như trái đất với người dân vùng xuôi, nhưng để “bén rễ” với mảnh đất vùng cao là chuyện không dễ, bởi tập quán chăn nuôi bò theo hình thức thả rông đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân”.
Đội viên Phan Duy hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi bò lai sinh sản |
Dự án tài trợ 18 con bò cho hộ nghèo ở địa phương, việc mà anh trăn trở đầu tiên là nuôi 1 con bò thì biết bao giờ mới thoát nghèo? Anh đã mạnh dạn tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền ra điều khoản ràng buộc là người dân phải vay thêm tiền mua thêm ít nhất 1 con nữa. Ý tưởng này lập tức bị “dội” gáo nước lạnh khi bà con không đồng tình. Họ bảo cho thì nhận, bắt buộc mua thêm thì thôi. Người vùng cao nói là làm, họ đồng lòng không nhận bò của Dự án tài trợ. Năn nỉ, ỉ ôi thế nào cũng không xong, anh lại lặn lội đi vận động bà con, những ngày cùng ăn, cùng ở, vào từng hộ vừa để hiểu dân, vừa tuyên truyền cách làm ăn mới, người dân đã đồng lòng. Thường xuyên bám sát thăm hỏi gia đình để kiểm tra, hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng bệnh cho đúng kỹ thuật, anh tâm sự rằng mình đã thực sự gắn bó với công việc, với cán bộ, nhân dân địa phương và hy vọng sẽ được gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa.
Cũng bằng trí tuệ, đam mê và nhiệt huyết của mình, Lý Minh Vương, nguyên là đội viên về làm Phó Chủ tịch UBND xã Trà Xinh, huyện Tây Trà đã đề xuất nhiều ý tưởng mới, được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào vùng cao. Nói về ý tưởng ra đời đứa con tinh thần của mình, anh cho biết: Trà Xinh là 1 trong 3 xã của huyện Tây Trà nhường đất để xây dựng hồ chứa nước Nước Trong. Tìm nguồn sinh kế mới cho người dân để họ sớm ổn định cuộc sống là bài toán nan giải và rất cấp thiết lúc này. “Với người vùng cao, trồng cây gì, nuôi con gì không phải là chuyện giản đơn. Cá diêu hồng là loại cá dễ nuôi, ổi lê Đài Loan cũng là loại cây dễ trồng và nhanh cho thu hoạch chứ nuôi, trồng trong thời gian kéo dài, đời nào người dân hưởng ứng”- anh tâm sự.
Đã có “đầu ra”
Theo Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi Ngô Sâm, được sự trợ giúp đắc lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương và nỗ lực của bản thân, 53 đội viên đã phát huy được năng lực của mình. Kết quả phân loại có gần 93% đội viên hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ; 20 đội viên được xét chuyển vào biên chế công chức cấp xã, cấp huyện, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tiêu biểu nhất là đội viên Lý Minh Vương đã vinh dự được bổ nhiệm vào chức danh Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy, rồi Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tây Trà. Đây cũng là đội viên duy nhất vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Có thể nói, niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào đội ngũ trí thức trẻ được ví như những “hạt giống đỏ” đã đến ngày gặt quả ngọt. Những xã nghèo giờ đây đã trở thành quê hương thứ hai đối với nhiều trí thức trẻ. Họ khao khát được tiếp tục gắn bó và cống hiến hết mình để góp sức vào sự phát triển của xã nghèo. Tuy nhiên, cũng có không ít đội viên chưa được bố trí, quy hoạch vào các chức danh chủ chốt của địa phương băn khoăn tương lai của mình sẽ về đâu khi Dự án kết thúc vào tháng 7.2016.
Mới đây, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh có trách nhiệm bố trí hợp lý cho các đội viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Cụ thể, với tỉnh còn biên chế chưa sử dụng hết, ưu tiên bố trí cho Phó Chủ tịch xã là trí thức trẻ vào biên chế đó. Nếu hết biên chế nhưng trong quá trình thực hiện Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy công chức, viên chức, cứ giảm được 2 người, được bổ sung 1 người, trong đó ưu tiên bổ sung trí thức trẻ của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Trường hợp sau khi thực hiện 2 giải pháp trên mà không giải quyết được biên chế cho đội viên, tỉnh đó có trách nhiệm báo cáo với cấp có thẩm quyền, để bảo đảm bố trí công tác cho tất cả các trí thức trẻ thuộc Dự án khi hoàn thành xong nhiệm vụ công tác.
Năm 2011, Chính phủ khởi động Dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 64 (nay là 63) các huyện nghèo trong cả nước. Sau khi tuyển chọn, tháng 10.2012, có 575 trí thức trẻ được chọn đến các xã vùng cao để làm Phó Chủ tịch xã. Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn cơ bản; sức trẻ, năng động, dám nghĩ dám làm, các trí thức trẻ được ví như những “hạt giống đỏ”. Đây cũng là “cơ hội vàng” để các cử nhân, kỹ sư mới ra trường khẳng định trình độ, năng lực của mình trong thực tiễn. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, được tiếp nhận trí thức trẻ đã góp phần bổ sung nguồn lực lãnh đạo cho địa phương, như “luồng gió mới”, tạo động lực thoát nghèo cho các xã nghèo. Chính quyền các địa phương cũng đã tạo điều kiện để các trí thức trẻ được thể hiện năng lực của mình. |