Quả vải vào thị trường Nhật: Cần sự nỗ lực của nhiều nhà

Quả vải vào thị trường Nhật: Cần sự nỗ lực của nhiều nhà
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn về công tác chuẩn bị của địa phương khi Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam vào thị trường này.
1.jpg
Những năm gần đây, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều ở nhiều thị trường.

Doanh nghiệp phải bắt tay cùng nông dân ngay

Bộ Nông lâm - Ngư nghiệp của Nhật Bản vừa phát đi thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản bắt đầu từ ngày 15/12/2019. Có thể nói, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức trong việc nâng cao chất lượng quả vải, bởi Nhật Bản được xem là một trong những thị trường khó tính.

Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), cho biết, khó khăn khi xuất quả vải vào Nhật là vùng trồng và công nghệ bảo quản. Để bảo quản được lâu hơn, giữ nguyên được vị tươi quả vải, đang gặp nhiều khó khăn.

Về hướng tháo gỡ, bà Vy cho rằng, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh phải phối hợp với người trồng vải, các HTX về vấn đề vùng trồng, chất lượng quả vải, để đạt đúng tiêu chuẩn Nhật Bản yêu cầu. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là chưa đủ mà phải nâng tầm lên thành GlobalGap hoặc sản phẩm sạch organic, như vậy sẽ thuyết phục hơn ở thị trường Nhật.

“Chúng ta phải triển khai cho người trồng vải ngay từ đầu vụ; doanh nghiệp nào muốn đưa quả vải sang Nhật phải bắt tay làm việc với nhà vườn ngay bây giờ. Các tỉnh nên có chương trình hỗ trợ, nguyên cứu bảo quản quả vải sau thu hoạch. Hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề nghiên cứu. Các doanh nghiệp muốn xuất vải sang Nhật phải tìm hiểu các sản phẩm bảo quản quả vải mà Nhật chấp thuận.

Nên có cuộc họp để các doanh nghiệp có kinh nghiệm chia sẻ về điều kiện đóng gói, từ đó, các cơ quan nhà nước có thể đàm phán với phía Nhật, để khi làm, không gặp phải trục trặc về vấn đề kỹ thuật”, bà Vy nói.

Ngành Nông nghiệp Hải Dương mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm có hướng dẫn để các địa phương chủ động đón bắt cơ hội Nhật Bản mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam, từ đó nâng giá trị quả vải, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Cũng theo bà Vy, công tác chuẩn bị làm truyền thông để giới thiệu sản phẩm quả vải ở thị trường Nhật rất  quan trọng. Làm thế nào để người tiêu dùng tại Nhật ăn thử, thưởng thức thử, mình sẽ có biện pháp để PR về thương hiệu quả vải tại Nhật tốt hơn.

Một công ty đang xuất sầu riêng sang Nhật cho biết, khách hàng Nhật có nhu cầu ăn quả vải khá lớn. Công ty sẽ làm việc với họ, làm rõ số lượng tiêu thụ để có bước chuẩn bị, đảm bảo vùng trồng. Từ đó, bắt tay với chính quyền địa phương, các HTX, nông dân ở Bắc Giang, Hải Dương triển khai quy định vùng trồng cho bà con biết và thực hiện.

Sẽ có lô vải thiều đầu tiên xuất sang Nhật

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết, sau khi biết thông tin Nhật Bản đồng ý cho nhập quả vải thiều tươi vào nước này, huyện và người dân trồng vải rất phấn khởi. Huyện xác định, Nhật Bản là thị trường cao cấp, khó tính, chắc chắn sản phẩm đưa vào phải đạt chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu của nước bạn.

Hiện chưa có quy chuẩn cụ thể, nhưng trước mắt, huyện tập trung vào 217ha mà Mỹ đã cấp mã vùng cho thị trường của Mỹ, sản xuất theo đúng tiêu chuẩn GlobalGap.

Theo yêu cầu của phía Nhật, Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản phải cấp mã vùng, việc này huyện đã đề nghị với tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp cử cán bộ hướng dẫn huyện làm theo đúng yêu cầu. Đồng thời, mời Cục Bảo vệ thực vật của Nhật sang thăm vùng trồng, đưa ra các điều kiện để mình triển khai theo đúng yêu cầu, để sớm được phía bạn cấp mã vùng.

Liên quan tới bao bì, tem nhãn đóng gói, huyện đã đề nghị với tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ đồng ý sẽ mời doanh nghiệp của Nhật Bản và mời một số doanh nghiệp của Việt Nam đang xuất các mặt hàng nông sản sang Nhật về trực tiếp có buổi làm việc với huyện và tỉnh để thống nhất yêu cầu về bao bì, tem nhãn, đóng gói.

Sau khi hoàn thiện cấp mã vùng trồng, thống nhất bao bì, tem nhãn, đóng gói, huyện sẽ mời Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tham tán thương mại của Việt Nam tại Nhật Bản lên thăm vùng trồng xem còn vấn đề gì có ý kiến để huyện hoàn thiện.

Ông Bình nhấn mạnh, theo trao đổi, báo cáo trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh và Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, năm 2020, huyện phấn đấu sẽ có lô hàng đầu tiên xuất sang Nhật, còn sản lượng bao nhiêu thì phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, tỉnh sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT để làm rõ các điều kiện cụ thể khi xuất quả vải vào thị trường Nhật. Giờ tỉnh có mã vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, sang Trung Quốc. Với điều kiện của thị trường Nhật, xem họ có yêu cầu thêm gì không, từ đó, tỉnh mới có sự chuẩn bị chu đáo.

“Giờ tỉnh tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất quả vải thiều thật tốt, muốn gì thì cũng phải đạt chất lượng, đúng tiêu chuẩn, đáp ứng tất cả các điều kiện từ phía Nhật. Chuẩn bị về tem nhãn, phấn đấu năm 2020 sẽ xuất được lô vải đầu tiên vào Nhật”, ông Tùng cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Hiền, ở thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tin tưởng, gần 3ha vải mà mấy anh em nhà ông trồng theo GlobalGap nhiều năm nay sẽ đủ điều kiện xuất vào thị trường Nhật. Tới đây, gia đình ông sẽ sát sao hơn trong quy trình trồng, chăm sóc để đảm bảo đủ điều kiện xuất sang Nhật.

Vụ vải thiều năm 2019 của Bắc Giang được đánh giá là “thắng lớn” khi tổng sản lượng đạt 147.030 tấn, giá trị đạt 6.365 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải thiều đạt 4.675 tỷ đồng, thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ 1.690 tỷ đồng. Đây là con số cao kỉ lục từ trước đến nay mà Bắc Giang đạt được.

Ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ, tổng diện tích 217,89ha đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, năm nay, Trung Quốc đã cấp 36 mã vùng trồng vải thiều Lục Ngạn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tại 30 xã, thị trấn với sản lượng 80.000 tấn. Giá bán dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg.

Theo Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn