Quản lý chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp: Khó vì chồng chéo

KTĐT - Vi phạm chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân do sự quản lý chồng chéo của các cơ quan chức năng.
Quản lý chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp: Khó vì chồng chéo
Vi phạm nhiều
Từ đầu năm 2012 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã phân tích kiểm tra 315 mẫu hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật. Qua đó phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất BVTV, song đều dưới ngưỡng cho phép. Trong đó đáng lưu ý, có 1 mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng endosulfan, hoạt chất đã cấm sử dụng ở Việt Nam. Ngoài ra, qua kiểm định chất lượng 668 mẫu thuốc BVTV, cơ quan chức năng phát hiện 6 lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng.
Về thực phẩm, trong lúc các cơ quan chức năng siết chặt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thì lại phát hiện thêm các vụ vận chuyển thịt thối và sử dụng hóa chất độc hại khác, ví như bột tẩy săm - pết dùng để tẩy thịt ôi thiu thành thịt tươi được phát hiện trên thị trường Hà Nội. Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, qua kiểm tra tình hình giết mổ, gia súc gia cầm tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, phát hiện nhiều bất cập như giết mổ dưới sàn, hay sai phạm trong đóng dấu kiểm dịch…
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thừa nhận, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang là vấn đề nổi cộm hiện nay gây tâm lý lo lắng cho nông dân. Hiện cả nước có trên 500 doanh nghiệp sản xuất phân bón, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, điều kiện sản xuất không đảm bảo.
Lỗ hổng cơ chế quản lý
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm chất lượng về ATVSTP nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp chưa giảm chính là do "lỗ hổng" từ cơ chế quản lý. Đơn cử như trong lĩnh vực phân bón, ông Phạm Đồng Quảng cho biết, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón còn thấp và không cụ thể đối với doanh nghiệp. Việc cấp phép đăng ký sản xuất, kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương khá đơn giản. Điều này tạo "cớ" để các doanh nghiệp làm ăn bát nháo, gây thiệt hại cho nông dân.
Hay trong lĩnh vực thủy sản, sự chồng chéo trong quản lý càng thể hiện rõ. Theo quy định, Tổng cục Thủy sản cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các chế phẩm xử lý môi trường, Cục Thú y cấp phép cho nhóm thuốc thú y thủy sản. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng cấp phép "trái tuyến" . Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, quảng cáo sai sự thật các sản phẩm thuốc thú y thủy sản đang ở mức báo động.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh đã đi vào các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, đám cưới… nên phải có biện pháp chặn ngay từ gốc chứ không làm theo kiểu bắt từng xe như hiện nay. Bà Thu yêu cầu Cục Thú y tăng cường kiểm tra ở các cửa khẩu, nếu các lô hàng vi phạm là hàng tạm nhập tái xuất thì phải đề xuất Chính phủ có phương án xử lý. Ngoài ra, các đơn vị liên quan đến quản lý chất lượng cần chủ động, quyết liệt vào cuộc như sự việc chất cấm trong chăn nuôi vừa qua.

Kết quả thanh, kiểm tra mới nhất trong tháng 5 của 20 tỉnh, thành phố cho thấy, trong số 411 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại, số cơ sở xếp loại C (không đạt) chiếm tới 20,9%. Trong đó, nếu tính riêng từng lĩnh vực, số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C chiếm tới 87%, sản xuất kinh doanh thuốc thú y 37,9%, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 29,4%...
 

 
Theo ktdt