Quản lý nợ công, phân giao cho bộ, ngành nào là quyền hạn của Chính phủ
- Thứ ba - 12/09/2017 10:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cho ý kiến về Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi vào chiều nay (ngày 12/9/2017), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.
Chính phủ vẫn muốn giữ như hiện hành
Quản lý nhà nước về nợ công bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nợ công được giao cho 3 cơ quan.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về vốn ODA, vay ưu đãi; xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ từ nguồn vốn vay ODA; tổ chức vận động, điều phối nguồn, vay ưu đãi; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế khung; thẩm định nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối; tổng hợp, phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi trung hạn 5 năm và hàng năm.
Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì chuẩn bị nội dung đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB…) và là đại diện chính thức của bên vay tại các tổ chức này.
Trong khi đó, Bộ Tài chính có trọng trách giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; chủ trì huy động toàn bộ vốn vay trong nước; đàm phán, ký kết các hiệp định vay cụ thể vốn ngoài nước (trừ các hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán); giải ngân, kế toán, quyết toán; và cân đối nguồn vốn trả nợ.
Về vấn đề phân công, phân nhiệm trong quản lý nhà nước về nợ công hiện có 2 quan điểm khác nhau: gom về một đầu mối và giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính quản lý từ khâu đàm phán, ký kết đến trả nợ; và vẫn giữ như hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mô hình quản lý nợ công hiện nay đã hình thành từ thời thống nhất đất nước. Thực tế đã chứng minh, cách thức quản lý nợ công hiện nay đã phát huy hiệu quả, nếu gom về một đầu mối một mặt sẽ xung đột với nhiều luật khác như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Đầu tư công…, mặt khác làm xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước.
“Chỉ riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tới 10 cục, vụ liên quan đến quản lý nhà nước về nợ công. Bây giờ gom về một đầu mối không biết hiệu quả sẽ thế nào”, ông Giàu băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Võ Trọng Việt chia sẻ, chưa một báo cáo nào Chính phủ trình sang Thường vụ Quốc hội mà ông đọc kỹ như vấn đề này và ông cảm thấy rất phân vân.
“Kinh nghiệm cho thấy, những vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau bao giờ Chính phủ cũng trình Thường vụ Quốc hội 2 phương án để lựa chọn. Nhưng riêng nội dung phân công quản lý nhà nước về nợ công, Chính phủ 3 lần trình Thường vụ Quốc hội đều chỉ đưa ra một phương án là giữ nguyên như hiện hành”, ông Việt phát biểu.
Theo Báo cáo phân tích, đánh giá về phương án quy định cơ quan quản lý nợ công vừa được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội báo cáo Thường vụ Quốc hội thì việc giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cùng quản lý nợ công đã đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, cần vận động, tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo.
Việc phân công chủ trì, phối hợp giữa 3 cơ quan đã tạo điều kiện cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ được giao, kế thừa kinh nghiệm trong vận động, đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ, khai thác những mối quan hệ truyền thống vốn có trước đây với một số tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, nếu thống nhất đầu mối quản lý nợ công sẽ khắc phục tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, chuyển sang phương thức quản lý nợ chủ động, xác định rõ trách nhiệm giải trình trong quản lý vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công.
Đánh giá về báo cáo này, ông Việt cho rằng, hiệu quả quản lý nợ công được phân công cho 3 đầu mối đã được kiểm chứng tính hiệu quả, hiệu lực, còn hiệu quả của việc thống nhất đầu mối chỉ là suy đoán, chưa có cơ sở kiểm chứng.
“Bây giờ nhập lại vào một đầu mối quản lý liệu có tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ hay không? Vì đàm phán, ký kết vay vốn nước ngoài, ngoài trình độ chuyên môn còn đòi hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là quen người, quen việc, quen đối tác”, ông Việt nhấn mạnh.
Quan điểm thống nhất quản lý nợ công về một đầu mối cho rằng, do khâu đàm phán, ký kết, sử dụng và trả nợ tách rời nhau dẫn tới nợ công tăng cao, sử dụng vốn vay kém hiệu quả.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, lập luận này chưa thực sự xác đáng. Dẫn chứng từ Ngân hàng Nhà nước hiện được giao nhiệm vụ là đại diện của Việt Nam vay vốn của IMF, WB, ADB…, nhưng không phải khi đi đàm phán, Ngân hàng Nhà nước muốn đàm phán thế nào cũng được mà đều có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thậm chí nhiều vấn đề phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tức là phân công, phân nhiệm nhưng thực ra Chính phủ vẫn là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về quản lý nợ công.
Theo quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phương án tối ưu là quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công” còn phân công cho bộ, ngành nào quản lý, quản lý khâu nào, quản lý nguồn vốn vay nào, vay của đối tác nào là quyền hạn của Chính phủ.
“Nếu Chính phủ thấy quản lý nợ công như hiện nay là phù hợp thì giữ nguyên, nếu không thì chuyển giao nhiệm vụ cho bộ, ngành khác hoặc thậm chí là thành lập tổ chức đoàn đàm phán riêng, còn Bộ Tài chính vẫn phải làm đầu mối quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về nợ công”, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề xuất.
baodautu.vn