Quảng Bình: Phát triển kinh tế biển gắn với xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 04/01/2017 01:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát triển kinh tế biển là mũi nhọn kinh tế để xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Trong công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế ở địa phương. Xác định xây dựng nông thôn mới là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên biển.
Với 1.795 hộ và 7.920 nhân khẩu, phân bố ở 6 thôn, năm 2011, xã Đức Trạch mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí, trong đó còn nhiều mặt yếu như hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và thiết chế xã hội chưa đồng bộ.
Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã thực hiện tốt các nội dung quy hoạch được phê duyệt, nhất là tiêu chí về môi trường, giao thông, thuỷ lợi, văn hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong xã; các nguồn đóng góp của người dân trên địa bàn và con em xa quê để xây dựng các công trình phúc lợi, điện, đường, trường, trạm…
Tính đến cuối năm 2016, sau 6 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đức Trạch đã huy động tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách địa phương trên 34 tỷ đồng. Nhân dân địa phương đóng góp trên 3,2 tỷ đồng và góp thêm trên 300m2 đất, hơn 1.000 ngày công lao động để cùng chính quyền hoàn thành bộ tiêu chí nông thôn mới.
Xác định phát triển kinh tế là nền tảng để thực hiện các tiêu chí còn lại, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành các tiêu chí về nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Đảng ủy xã Đức Trạch đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, đầu tư khai thác đánh bắt hải sản xa bờ đi đôi với chế biến hải sản.
Ngư nghiệp thực sự là thế mạnh của địa phương hiện nay. Bằng các nguồn vốn tự có, vốn vay và vốn kích cầu của Chính phủ, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi phương tiện, thay đổi phương thức đánh bắt, bảo đảm khai thác, đánh bắt quanh năm theo hướng an toàn, bền vững. Hiện toàn xã có 240 tàu lớn đánh bắt vùng biển xa, 18 tàu được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có 1 chiếc tàu sắt làm dịch vụ hậu cần trên biển và gần 200 tàu nhỏ đánh bắt thủy hải sản gần bờ mang lại sản lượng, hiệu quả kinh tế cao như tôm, mực, ruốc, cá trích, cá nục, cá khoai, sò, vẹm, ốc… mang về khối lượng hải sản lớn, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/chuyến.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vì thế từng bước được nâng cao. Toàn xã có gần 50% hộ giàu và khá giả. Mức thu nhập bình quân đầu người trong năm ước đạt 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh, chỉ chiếm 3%.
Hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã hầu như đã gần hoàn thiện, được nhựa hóa và bê tông hóa với tỷ lệ đường trục xã, liên xã đạt tiêu chuẩn 100% và tỷ lệ đường trục thôn, xóm đạt 70%. Tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới đạt 100%. Chợ nông thôn, bưu điện, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng và đã đưa vào sử dụng có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân kinh doanh, giao thương và khám chữa bệnh.
Cảnh quan nông thôn mới tại xã biển Đức Trạch.
Tiêu chí môi trường đã được chính quyền cũng như người dân quan tâm ưu tiên; đường vào làng, xã luôn sạch đẹp. Xã đã có đội thu gom rác thải hàng ngày, hạn chế sự ô nhiễm môi trường từ các khu chế biến hải sản.
Công tác giáo dục được quan tâm đúng mức, hạ tầng được đầu tư, quy mô trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Chất lượng giáo dục chuyển biến theo hướng tích cực. Công tác phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học tiếp tục được giữ vững.
Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch chia sẻ: Hiện nay, 19/19 tiêu chí nông thôn mới địa phương đã phấn đấu để hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới. Trong những năm tiếp theo, mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới của địa phương là xây dựng và phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại, bền vững và có bản sắc riêng. Xây dựng xã nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, có kiến trúc, cảnh quan phù hợp với tự nhiên, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với kinh tế biển là mũi nhọn gắn với dịch vụ du lịch. Xây dựng và phát triển xã nông thôn mới trên cơ sở đảm bảo ổn định, giàu bản sắc văn hóa cư dân vùng biển, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Diện mạo NTM ở xã Đức Trạch từng bước hình thành, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới; đời sống văn hóa của người dân được nâng cao.
Chú trọng công tác vệ sinh môi trường.
Phát huy thành quả đạt được, song song đó đề ra những giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới của địa phương trong những năm qua, cũng như tiếp tục được sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện, tin rằng xã biển Đức Trạch sẽ xây dựng thành công nông thôn mới.
Theo: Nhất Linh/baoxaydung.com.vn