Quảng Bình gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Bình phấn đấu có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó năm 2016 có 12 xã; đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 68 xã và hai đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh Quảng Bình triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm là: đổi mới hình thức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; biểu dương các điển hình tốt, cách làm sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng; đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân xã Tân Thành (Hàm Yên, Tuyên Quang) chăm sóc cây cam. Ảnh: THÙY LINH

 

Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, người dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an ninh trật tự nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của từng địa bàn.

Quảng Bình đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 22,1% tổng số xã trên địa bàn.

* Tuyên Quang phấn đấu giảm 3% số hộ nghèo

Để giúp các hộ giảm nghèo bền vững, tỉnh Tuyên Quang thực hiện hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có phụ nữ, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, hộ di dân tái định cư, hộ gia đình chính sách. Tỉnh tiến hành tổng kết, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được hướng dẫn lập dự án, thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện chương trình giảm nghèo, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh các sai sót của cơ sở. Tỉnh thu hồi hơn 24.450 ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho các địa phương để giao lại cho các hộ nghèo, hộ thiếu đất ở, sản xuất sử dụng; tiếp tục thực hiện việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…

Tuyên Quang là tỉnh miền núi với hơn 50% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn rất khó khăn. Năm 2016, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giảm 3% số hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 24,8%.

Theo: nhandan.com.vn