Quảng Nam: Xúc tiến, quảng bá và giới thiệu nông sản sạch
- Thứ sáu - 20/07/2018 00:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Song công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm này còn hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường còn rất lớn đặc biệt là thị trường tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 19/7, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch tại Quảng Nam”.
Phát triển các mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, đến nay, các địa phương trong tỉnh bước đầu đã xây dựng thành công một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch có hiệu quả, tạo ra các nông sản hữu cơ, sạch, an toàn và sản xuất theo chuỗi giá trị, được nhân rộng trong sản xuất.
Các chuỗi sản phẩm an toàn, hữu cơ: Đậu Phụng, Bò, Rau của HTXNN Điện Quang (Điện Bàn), trong đó chuỗi sản phẩm Lạc đã gắn với việc xây dựng thành công thương hiệu “Dầu phụng Đất Quảng”.
Phát triển mô hình cây hồ tiêu tại Tiên Phước, Phú Ninh; các loại cây bản địa như giống ớt A Riêu ở Đông Giang; chăn nuôi heo bản địa, ngan địa phương ở vùng miền núi.
Nuôi thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ như nuôi ghép tôm sú với cá dìa kết hợp trồng rong câu chỉ vàng tại Hội An, Núi Thành; trồng rong nho, rong câu chỉ vàng tại Núi Thành.
Các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết chuỗi tiêu thụ của các cơ sở, trang trại, Tổ hợp tác, HTX Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam về sản xuất rau an toàn, hữu cơ, trồng rau thủy canh, trên giá thể, chăn nuôi heo, gà địa phương, vật nuôi bản địa (heo đen, dúi...), nuôi trồng thủy sản an toàn, sinh thái gắn với các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành và ở số nơi khác.
Đặc biệt, đối với vùng miền núi, trung du của tỉnh, nơi có tiềm năng và lợi thế để phát triển các mô hình dược liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và theo hướng hữu cơ như các mô hình bảo tồn và phát triển cây dược liệu: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Đảng sâm, Sa nhân và Đinh lăng... chủ yếu tại các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang và Phước Sơn.
Ngoài ra, tại số địa phương cũng đã phát triển sản xuất các cây dược liệu như nấm Linh chi, Hà Thủ ô đỏ, Giảo cổ lam, ngủ da bì gai, Cà gai leo, gừng, nghệ đỏ... Và bước đầu cũng đã hình thành các chuỗi sản phẩm gắn với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, thu mua, chế biến.
Gian nan xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Tại hội thảo, đa số đại biểu điều có ý kiến là rất gian nan trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn chia sẻ, hiện, Công ty ông sản xuất 10ha lúa theo hướng hữu cơ, mỗi năm sản xuất 2 vụ, cung câp cho thị trường khoảng trên 70 tấn gạo theo hướng sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, để có Giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ thì phải hợp đồng với công ty tư vấn hết 90 triệu đồng (trong đó gồm 40 triệu chi phí tập huấn và 50 triệu làm Giấy chứng nhận/năm). Còn thủ tục thì rất rườm rà, chờ đợi rất lâu từ các cơ quan liên quan.
“Bán gạo không đủ 90 triệu lấy gì chi phí cho công ty tư vấn để có Giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ”- ông Thiện nói.
Ông Lê Muộn, PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam cho biết, Sở đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông liên kết với các Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp của các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giới thiệu quảng bá nông sản, trong đó có nông sản hữu cơ, nông sản sạch đến với người tiêu dùng. Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngành cũng đã tham mưu để UBND tỉnh Quảng Nam ký kết với UBND thành phố Đà Nẵng về chương trình hợp tác tiêu thụ nông sản an toàn sản xuất theo chuỗi của Quảng Nam.
Trước mắt, thông qua các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái là một những kênh xúc tiến, quảng bá và giới thiệu đem lại hiệu quả cho các sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch, an toàn...
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp phối hợp triển khai thực hiện 5 chuỗi sản phẩm an toàn, gồm: Thịt heo, nước mắm, rau, thịt gà, trứng gà và duy trì các chuỗi thịt (tại huyện Thăng Bình, Đại Lộc).
Đến nay các sản phẩm đã được kết nối tiêu thụ tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện Quảng Nam có khoảng 130 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 06 nhóm sản phẩm, gồm nhóm thực phẩm có 59 sản phẩm; nhóm đồ uống có 13 sản phẩm; nhóm thảo dược có 16 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 02 chuỗi sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 27 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng có 13 sản phẩm; quy hoạch 23 trung tâm và điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố... Đây sẽ là cơ hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông sản sạch của Quảng Nam ra thị trường bên ngoài mang lại hiệu quả.
Theo: Hải Yến/kinhtenongthon.vn