Quảng Ngãi: Diện mạo mới ở vùng đất cách mạng Trà Bồng
- Thứ tư - 28/08/2019 18:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn cảnh huyện Trà Bồng - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Cách đây 60 năm, vào những ngày tháng Tám lịch sử (28/8/1959), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện miền núi Trà Bồng đã nổi dậy làm nên kỳ tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, mở đầu thời kỳ đánh và thắng Mỹ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Phát huy thắng lợi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, nhân dân Trà Bồng tiếp tục theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng.
Những ngày đầu tháng 9/1969, cùng với cả nước, nhân dân Trà Bồng vô cùng đau buồn khi nhận được tin Bác đi xa, để biến đau thương thành hành động cách mạng, dân tộc Cor ở Trà Bồng (chiếm 64% số dân lúc bấy giờ) tự nguyện đề nghị và được Trung ương chấp thuận cho người Cor được mang họ Bác Hồ. Từ đó, nhân dân Trà Bồng gửi trọn niềm tin theo Đảng, tiếp tục đóng góp to lớn sức người, sức của cho cách mạng, nêu cao ý chí, truyền thống quật khởi, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Sau 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là từ sau ngày chia tách huyện (01/2004), trải qua rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện Trà Bồng đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, luôn có sự đổi mới, năng động, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trong từng thời kỳ.
Với sự nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên của các dân tộc anh em trên địa bàn, những năm qua kinh tế huyện có bước phát triển khá; tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện giai đoạn 2015-2020 ước đạt 10,7%; nhiều đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; trên 95% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, hàng trăm công trình nước sạch phục vụ cuộc sống sinh hoạt của bà con được xây dựng, 7/10 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và 100% trạm y tế có từ 1-2 bác sĩ; khoảng 90% phòng học được xây dựng kiên cố....
Chính quyền huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách phù hợp tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào đầu tư, đến nay có nhiều dự án đã và đang triển khai như: Dự án thủy điện Kà Tinh; dự án nuôi heo công nghiệp khép kín; dự án rau, củ quả; dự án gạch không nung…
Với đặc thù là một huyện miền núi, Trà Bồng đã xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; trong đó chú trọng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và chăn nuôi để từng bước hình thành vùng chuyên canh cây quế, cây bản địa, cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao kết hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, gia trại, trang trại.
Đến nay, tổng diện tích quế hiện có khoảng 1.650 ha, hằng năm trồng mới khoảng 200-250 ha; cùng với đó là mô hình sản xuất, chế biến tinh dầu quế, các sản phẩm từ quế đi vào hoạt động ổn định, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Sau gần 10 năm triển khai, thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay xã Trà Bình là một trong những xã đầu tiên của huyện miền núi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, huyện đã chú trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ các Chương trình 135, 30a, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102 và các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất theo chính sách tín dụng ưu đãi. Từ đó, người dân có điều kiện, động lực để vươn lên trong lao động sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Huyện Trà Bồng đang tập trung phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Bên cạnh phát triển KT-XH, huyện cũng đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; công tác đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công được quan tâm; giáo dục-đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; tỉ lệ hộ nghèo ước đến năm 2019 giảm còn 27,22%..
Ông Võ Văn Rân, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết: Phát huy những thành quả đạt được, phấn đấu đến năm 2020, Trà Bồng cơ bản thoát nghèo; trong đó tập trung đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng đầu tư khai thác lợi thế về du lịch sinh thái, lịch sử và văn hóa; quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
“60 năm chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng hào khí của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn in đậm trong tâm khảm của mọi người. Cuộc hành trình đi về phía trước của huyện Trà Bồng vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức, nhưng với những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trà Bồng sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và phát triển, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, xây dựng quê hương Trà Bồng anh hùng ngày càng văn minh, giàu đẹp”, Bí thư huyện miền núi Trà Bồng, Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Theo Lưu Hương/baochinhphu.vn