Quảng Ngãi xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững

Chiều ngày 13/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ghi nhận những kết quả mà địa phương này đã đạt được trong thời gian qua. 

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh, mấu chốt vấn đề thành bại của Nghị quyết Trung ương 7 là việc huy động sự tham gia của nhân dân. Phó Trưởng ban đề nghị, tỉnh Quảng Ngãi cần hỗ trợ tối đa cho người dân để gây dựng sức mạnh toàn dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết này. 

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, giải pháp căn cơ nhất để giảm nghèo và thoát nghèo bền vững là giáo dục và đào tạo con người; còn nông nghiệp là giải pháp ngắn hạn. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi cần phải làm rõ nội hàm, bàn các phương án hữu hiệu nhất để triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp… 

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau 10 thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Năm 2017 so với năm 2008, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,4%; cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ tăng. 

Tỉnh đã thu hút được 54 dự án với tổng vốn đăng ký 2.075 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, có nhiều dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Một số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có hiệu quả. 

Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch khá tích cực, từ nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại có quy mô lớn hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 34 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Toàn tỉnh hiện có 22 cụm công nghiệp được hình thành với tổng diện tích hơn 279 ha. Có 124 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp với vốn đăng ký khoảng hơn 2.300 tỷ đồng, có 79 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 3.300 lao động, mức thu nhập bình quân từ 3-4,5 triệu đồng/lao động/tháng. 

Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 41/164 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí nông thôn mới bình quân/xã đã tăng thêm hơn 7 tiêu chí so với năm 2011. 

Tỉnh đã bố trí tổng kinh phí trên 925 tỷ đồng để thực hiện các nhóm chính sách, dự án nhằm tạo điều kiện người nghèo phát triển sản xuất, mua thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, miễn giảm học phí, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 21% năm 2008 giảm xuống còn 11,2% vào cuối năm 2017. 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 171.000 hộ sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên; trong đó, có 128.799 hộ nông nghiệp. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng các nguồn lực huy động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tính đến cuối năm 2017 đạt trên 13.000 tỷ đồng. 

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; đồng thời, nâng cao vị thế giai cấp nông dân, củng cố khối liên minh công nhân- nông dân- trí thức vững chắc… 

Cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã đến thăm quan một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. 
 

 

Vĩnh Trọng (TTXVN)
Nguồn: baotintuc.vn