Quảng Ninh: Diện mạo mới từ một phong trào

Quảng Ninh: Diện mạo mới từ một phong trào
Những năm qua, phong trào xây dựng xã nông thôn mới - phường thị trấn văn hóa tại Quảng Ninh, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quá trình hơn 10 năm triển khai, thực hiện chương trình này đã góp phần cổ vũ, động viên, tạo động lực thúc đẩy tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công theo kế hoạch đề ra.
 
 
 
Người dân khu 5, phường Hà An (Quảng Yên) 
đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn
Ảnh: Thanh Tùng
 
Tại Hội nghị tuyên dương các điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng "Xã nông thôn mới- Phường, thị trấn văn hóa”  năm 2013 vừa được tổ chức ngày 16-4, Quảng Ninh có  6 xã, phường tiêu biểu được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh, 64 tập thể tiêu biểu và  nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã nông thôn mới, phường, thị trấn văn hóa.
Phong trào thi đua đạt danh hiệu "Xã, phường, thị trấn tiên tiến” từ năm 2012 được đổi mới nội dung thành phong trào "Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hóa” phù hợp với công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh. Năm 2013 phong trào tiếp tục được quan tâm triển khai tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, bám sát 12 nội dung thi đua xây dựng  " Xã nông thôn mới” và 18 nội dung của "Phường, thị trấn văn hóa”. 
 
Trong hơn 10 năm triển khai, điều nhận thấy rõ nét nhất ở tỉnh Quảng Ninh là bộ mặt nông thôn có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là về kinh tế và cơ sở hạ tầng. Trong đó nông nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tại nhiều địa phương của tỉnh với chủ trương "mỗi xã phường một sản phẩm” đã hình thành và tạo ra một địa chỉ nông sản tin cậy đối với người tiêu dùng, gia tăng thúc đẩy sản xuất về chất lượng và số lượng.  
 
Việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu bằng  việc khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân, cùng với đó là áp dụng các tiến bộ mới nhất của khoa học kĩ thuật, giống mới vào nuôi trồng,  tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và doanh nghiệp tạo ra sự thay đổi trong tư duy của người dân, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển.. Tại các huyện như Hải Hà, Đầm Hà, Đông Triều, Tiên Yên… những mô hình gia trại, trang trại đặc biệt là cánh đồng rau an toàn hàng năm đều cho người dân thu nhập trên 50 triệu đồng, đời sống của người dân từng bước được nâng lên đáng kể. 
 
Phong trào này đã và đang tạo ra một khí thế mới và có sự lan tỏa mạnh mẽ.  Một kết quả khác của phong trào, là đã góp phần giữ vững trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn. Những mô hình được xây dựng đã trở thành điểm sáng về tinh thần đoàn kết tự quản, tự bảo vệ của nhân dân, góp phần tích cực giữ gìn, giải quyết và ổn định tình hình an ninh trật tự từ cơ sở. 
 
Đạt được những thành tựu đó không thể không kể đến vai trò của MTTQ các cấp đã tham gia đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về mục tiêu, yêu cầu và nội dung xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Minh- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết, phong trào đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, phát huy tinh thần đồng thuận, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. 
 
"Một yêu cầu chung là được việc, được người, được tổ chức, được cơ sở vật chất và được lòng dân đã đạt được từ phong trào này. Qua công tác triển khai  đã thể hiện rõ nét nhất câu nói của Bác Hồ kính yêu "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông Minh khẳng định.
 
Với cách làm sáng tạo và thiết thực của phong trào, đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho xã, phường, thị trấn tại Quảng Ninh một sắc màu tươi sáng; một bức tranh đa chiều, ấn tượng về kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định về an ninh quốc phòng.
 
Kim Hoàng
Nguồn daidoanket.vn