Quảng Ninh: Muốn giàu thì làm nghề chế biến củ cải khô

Quảng Ninh: Muốn giàu thì làm nghề chế biến củ cải khô
Với diện tích hơn 35ha trồng cây củ cải, xã Quảng Lợi là một trong những nơi trồng cây củ cải lớn nhất ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Không chỉ được học để nâng cao năng suất, người dân nơi đây còn được dạy nghề chế biến củ cải thành sản phẩm khô, nâng cao giá hàng chục lần.

Công đoạn chế biến tỉ mỉ

Là một trong những hộ được đánh giá có bí quyết làm củ cải khô ngon, chị Hoàng Thị Quang ở thôn Trung Sơn (xã Quảng Lợi) cho biết: “Trước đây, tôi thu hoạch củ cải chủ yếu bán ngoài ruộng với giá dao động từ 3.000-6.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư cũng không được mấy. Vài năm nay, tôi thấy nhiều hộ trong thôn chế biến củ cải khô bán với giá khá cao từ 100.000 – 150.000 đồng/kg nên gia đình tôi cũng làm theo. Giờ cả thôn Trung Sơn hầu như nhà nào cũng làm thêm nghề chế biến củ cải khô. Năm 2016 vừa qua, tôi trồng hơn 4 sào củ cải, sau khi thu hoạch xong, sơ chế thành củ cải khô, trừ chi phí thu lãi hơn 20 triệu đồng, cao hơn gấp 3-4 so với canh tác các loại cây trồng khác trên cùng 1 đơn vị diện tích đất”.

 quang ninh: muon giau thi lam nghe che bien cu cai kho hinh anh 1

Để làm ra món củ cải khô thôm ngon, dai giòn, bà con phải phơi đủ nắng. Ảnh: T.H 

Với giá bán là 150.000 đồng/kg củ cải khô, 50.000 đồng/kg củ cải phên, nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập cao từ nghề chế biến củ cải cải khô”.

Ông Ty Văn Bích 

 

Theo chị Quang, củ cải là loại cây phù hợp với đất pha tơi xốp pha cát nên củ dài, ngọt và đẹp. Củ cải dễ trồng, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch ngắn, chỉ mất 2 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch). “Cứ 10kg củ cải tươi làm ra được 1kg củ cải khô. Để chế biến củ cải tươi thành củ cải khô giòn, thơm ngon phải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ. Sau khi thu hoạch, củ cải được rửa sạch, thái lát mỏng, đem phơi trên thảm hoặc trên dây. Đến khi củ cải đạt đến độ khô thích hợp sẽ được vò với một lượng muối vừa đủ, không quá mặn rồi tiếp tục phơi cho đến khi sợi giòn dai, vàng ươm là có thể đem đi bán” - chị Quang chia sẻ.

Đặc sản Đầm Hà       

Ông Ty Văn Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lợi cho biết, nghề trồng và chế biến củ cải cải khô có ở xã từ nhiều năm nay. Trước đây, bà con sản để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Nhưng từ năm 2014, củ cải khô là một trong những sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm OCOP địa phương (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh), thị trường tiêu thụ củ cải thuận lợi, diện tích trồng củ cải của xã đã tăng lên rất nhanh.

“Năm 2014, diện tích trồng củ cải trên địa bàn xã 15ha, đến năm 2015 là 30,5ha và năm 2016 là 35ha. Từ củ cải tươi, bà con chế biến ra 3 loại củ cải chính là củ cải khô, củ cải phên và củ cải muối. Đầu năm 2015, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu” - ông Thủy nhấn mạnh.

Là đơn vị mua, chế biến củ cải lớn nhất huyện Đầm Hà, ông Ty Văn Bích - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, xã Quảng Lợi cho biết, vụ củ cải năm 2016, HTX trồng 2ha diện tích, chế biến 10 tấn củ cải phên và 2 tấn củ cải phên, thu nhập từ trồng và chế biến củ cải đạt 450 triệu đồng/năm. 

Theo: Đức Thịnh/danviet.vn