Quảng Ninh phát triển “Tam nông” toàn diện

Quảng Ninh phát triển “Tam nông” toàn diện
Chỉ chiếm tỷ trọng 5% GDP toàn tỉnh, nhưng nông nghiệp của Quảng Ninh vẫn rất được chú trọng. Bằng chứng là sau khi có Nghị quyết TW7 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bộ mặt khu vực này đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Hôm qua (25/7), Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7 về “Tam nông”. Từ thực tiễn, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được nâng cao.

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp - dịch vụ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu cho biết, trong 5 năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, trực tiếp là các chính sách hỗ trợ SXKD trong nông, lâm, ngư nghiệp.

Với sự quyết liệt, sáng tạo, linh động trong chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền; sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các DN; sự khắc phục khó khăn để khẳng định vai trò chủ thể của người nông dân, nên trong 5 năm thực hiện Nghị quyết, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều mặt.

“Xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, SX hàng hoá có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn”, ông Hậu cho biết.

Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, cùng với chính sách thu hút, khuyến khích, ngành SX nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của tỉnh đã có sự chuyển dịch cơ cấu hợp lý. Từ năm 2009 - 2012, tỷ trọng giá trị SX các lĩnh vực có ưu thế tăng: Thuỷ sản tăng từ 43,5% lên 48,2%; lâm nghiệp tăng từ 9,3% lên 11,6%; trồng trọt tăng từ 30% lên 31,2%. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp trung bình là 3,8%/năm, đạt mục tiêu quốc gia (3,5 - 4%/năm).

Với nhiều chính sách hỗ trợ, các vùng SX tập trung ở tỉnh đã dần được hình thành, tạo tiền đề cho SX hàng hoá, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tỉnh đã phân bổ, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa đến năm 2015 là 26.590 ha và đến năm 2020 là 25.000 ha, đảm bảo an ninh lương thực cho nửa triệu dân...


Đưa cơ giới hóa vào SX nông nghiệp ở Đông Triều

Cùng với đầu tư hạ tầng, tỉnh cũng tập trung đổi mới hình thức tổ chức SX, thực hiện những mô hình liên kết có hiệu quả trong xây dựng NTM. Toàn tỉnh hiện có 235 HTX (trong đó có 173 HTX nông nghiệp), 80 tổ hợp tác với 154.700 xã viên, chiếm 20% số lao động trong tỉnh, đóng góp khoảng 3,5% vào GDP toàn tỉnh.

“Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết TW7 của Quảng Ninh là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp dịch vụ. Chúng tôi chú trọng đào tạo nghề cho nông dân theo ưu thế của từng vùng. Ví dụ ở TP Hạ Long, nông dân được đào tạo làm du lịch, hoặc ở huyện Quảng Yên thì nông dân chuyển sang trồng hoa, rau sạch...”, ông Hậu nói.

Từ sự phát triển SX trên địa bàn nông thôn, thu nhập của nông dân tăng nhanh. Năm 2013, ước thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1,3 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,45 lần năm 2010. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2015, thu nhập của nông dân sẽ đạt trung bình 20 triệu đồng/người/năm.

“Kỷ luật - đồng tâm”

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho rằng, đạt được những kết quả trên là do sự đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tạo ra nguồn lực, sức mạnh quan trọng. “Cần phát huy truyền thống “Kỷ luật - đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng mỏ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM”, ông Chính cho biết.

Ngoài ra, cũng theo người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh, phải biết lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm của nông nghiệp phù hợp với đặc thù của tỉnh, xác định đúng khâu đột phá, ưu tiên tập trung nguồn lực cho SX.

Tuy nhiên, ông Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiềm năng nông nghiệp của Quảng Ninh là rất lớn nhưng chưa được phát huy triệt để. Một số địa phương còn có hiện tượng lãng phí tài nguyên đất đai; nghề truyền thống chậm phát triển; cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các vùng SX tập trung.

“Hiện nông sản của Quảng Ninh đang lưu thông trên thị trường chủ yếu là ở dạng sơ chế hoặc nguyên liệu thô, mẫu mã đơn giản, chưa có thương hiệu...”, ông Chính cho hay.

Với mục tiêu “Phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành một địa bàn động lực, năng động của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và cơ bản trở thành tỉnh NTM”, ông Chính cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy mạnh mẽ, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trọng chương trình xây dựng NTM.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung kiện toàn hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng KHCN trọng nông nghiệp, giải quyết vấn đề môi trường ở nông thôn và phát triển, nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh…

“Ngoài các giải pháp trên, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện an sinh xã hội ở nông thôn một cách cơ bản, đảm bảo cho mọi người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, nước sạch và thông tin”, ông Chính khẳng định.

 

Sơ kết 2 năm xây dựng NTM ở tỉnh, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn đã được đầu tư khá nhiều, làm cho diện mạo nông thôn có sự thay đổi lớn. Tỉnh tập trung đầu tư và đến nay 125/125 xã trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Toàn tỉnh đã bê tông hoá, nhựa hoá được 67,7% đường trục xã, liên xã (khoảng 800/1.287 km); cứng hoá trên 700 km đường liên thôn (chiếm khoảng 46%); 59 xã đạt chuẩn về giao thông theo tiêu chí NTM (bằng 47,2%, tăng 15 xã so với năm 2010).

Đến hết 2012, 100% số xã có hệ thống điện đạt yêu cầu kỹ thuật, tỷ lệ hộ dân được dùng điện lưới quốc gia là 98,6%...


VĂN NGUYỄN 
Theo nongnghiep.vn