Quảng bá, xúc tiến - đòn bẩy phát triển du lịch Việt Nam

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định mục tiêu: Đến năm 2020, ngành du lịch sẽ thu hút được 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách trong nước, tổng thu từ du khách đạt 35 tỷ USD, đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra bốn triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Như vậy, để đáp ứng mục tiêu này, năm nào ngành du lịch cũng phải đạt mức tăng trưởng 15 đến 20%, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao độ, nhất là trong công tác quảng bá, xúc tiến để tạo đột phá thu hút du khách.
Festival hoa Đà Lạt là dịp quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt tới đông đảo du khách. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Bài 2: Tạo đột phá

Huy động tổng hợp nhiều nguồn lực

Các chuyên gia cho rằng, muốn tạo động lực cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nguồn kinh phí cần được nâng lên ở mức đủ lớn và ổn định. Trước đòi hỏi đó, sự ra đời của Quỹ hỗ trợ du lịch đang được xem là giải pháp mang lại nhiều kỳ vọng. Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, dự kiến quỹ sẽ có tổng số vốn khoảng 400 đến 500 tỷ đồng, thành lập vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Bước đầu, nguồn tiền này sẽ do Nhà nước cấp, những năm sau bổ sung từ nguồn thu phí tham quan và thị thực. Tuy nhiên, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cho rằng: Các doanh nghiệp du lịch cũng cần có cam kết đóng góp vào quỹ. Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch đã thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp đầu tư du lịch, bước đầu thu hút khoảng 10 doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Vietnam Airlines, Vingroup, Thiên Minh Group, HG Group... Hiện Câu lạc bộ đã có khoảng 25 tỷ đồng để hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch. Hội đồng Tư vấn du lịch cam kết từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ sẽ đóng góp 70 tỷ đồng vào quỹ, đồng thời tham gia tích cực vào công tác quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế quan trọng. Song để duy trì nguồn quỹ, vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất là tính hợp lý, sự minh bạch, công khai. Muốn thực hiện điều này, cần đội ngũ có chuyên môn và cơ chế quản lý quỹ vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng để huy động và sử dụng đạt hiệu quả thật sự.

Tăng tính chuyên nghiệp

Xúc tiến du lịch trong bối cảnh hiện nay không chỉ là chào hàng cái ta có, giới thiệu tiềm năng, hay quảng bá chung chung về hình ảnh đất nước, mà phải thực hiện đầy đủ và bảo đảm chất lượng mọi khâu của tiếp thị du lịch, từ nghiên cứu thị trường tới định hướng xây dựng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia... Phó Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Sagontourist Võ Anh Tài nhận định: Chúng ta không thể lấy chương trình quảng bá, xúc tiến ở thị trường này áp dụng sang thị trường khác mà cần nghiên cứu chuyên sâu về những phân khúc thị trường chuyên biệt. Muốn vậy, cần nhanh chóng thành lập cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để tập hợp các doanh nghiệp, định hướng nhóm thị trường, quản lý và vận hành quỹ xúc tiến du lịch, xây dựng sản phẩm, dịch vụ xúc tiến... Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định cần có cơ quan chuyên nghiệp về xúc tiến. Ở Tổng cục Du lịch nên thành lập lại Cục Xúc tiến Du lịch hoặc cao hơn là thành lập cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, tập hợp những người thật sự am hiểu, có trình độ về du lịch, hiểu biết về nhu cầu, tính cách của mỗi thị trường để có thể làm trúng, làm đúng. Bên cạnh đó, cũng cần thành lập ngay một số văn phòng đại diện du lịch nước ngoài ở một số thị trường trọng điểm để có lực lượng xúc tiến tại chỗ thường xuyên cũng như cơ sở dữ liệu đầy đủ nhằm đẩy mạnh quảng bá du lịch. Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cho rằng, nên tập trung quảng bá, xúc tiến ở những thị trường có đối tượng khách du lịch ổn định, chi trả cao và có mức lưu trú dài ngày, cụ thể là ở các thị trường: Châu Âu (Đức, Anh, Pháp), Trung Quốc, Đông - Nam Á (Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Xin-ga-po), Bắc Mỹ (Mỹ, Ca-na-đa), Ô-xtrây-li-a, Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga; bởi theo thống kê, lượng khách đến từ bảy thị trường, tiêu biểu là các quốc gia nêu trên chiếm tới 85% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ. Do đó, hợp tác với khu vực và thế giới là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng, trong đó có cả hoạt động xúc tiến, quảng bá. Thời gian qua, các hoạt động phối hợp xúc tiến liên vùng như: liên kết tám tỉnh miền núi Tây Bắc, liên kết ba tỉnh, thành phố miền trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) đã thu về những kết quả tích cực trong tạo dựng thương hiệu du lịch vùng. Hiện nước ta đã có những cam kết song phương, đa phương trong hợp tác phát triển du lịch, nhất là ở khu vực ASEAN. Mối quan hệ này vừa có sự hợp tác, vừa có sự cạnh tranh; đòi hỏi Việt Nam một mặt cùng các nước trong khu vực xúc tiến ASEAN như một điểm đến chung, cùng các quốc gia có chung đặc điểm, tài nguyên du lịch liên kết để xúc tiến (như trường hợp Thái-lan, Cam-pu-chia cùng phối hợp áp dụng chính sách thị thực chung), mặt khác có những chính sách riêng để xúc tiến, thu hút khách tới quốc gia mình. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh du lịch, các nước như Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Xin-ga-po... đều có những điều chỉnh nhất định về chiến lược phát triển du lịch nhằm tăng hiệu quả xúc tiến, quảng bá với thế giới. Ông Vũ Thế Bình cho rằng: Trước mắt, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá ngay trong khối ASEAN bởi theo thống kê, từ đầu năm đến nay, du khách đến nước ta từ Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma đạt 1,3 triệu lượt, song số lượng người Việt Nam đi du lịch các nước này đạt hơn ba triệu lượt. Đây là sự mất cân bằng và Việt Nam cần có kế hoạch để tranh thủ ngay lượng khách du lịch trong khu vực. Bên cạnh đó, đối với các thị trường xa, kế hoạch quảng bá, xúc tiến cần được thực hiện trước sáu tháng đến một năm mới thu được hiệu quả.

Tập trung tiếp thị điện tử

Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, tổng thu du lịch trực tuyến thế giới năm 2016 tăng 13,8%, ước đạt gần 565 tỷ USD, dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 817 tỷ USD. Báo cáo về kinh tế Ðông - Nam Á của Google và Temasek Holdings - công ty đa ngành của Xin-ga-po cho biết: Thị trường du lịch trực tuyến của khu vực này sẽ tăng gấp bốn lần, từ 21,6 tỷ USD vào năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025; trong đó thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2015 lên chín tỷ USD vào năm 2025. Muốn tận dụng xu thế du lịch trực tuyến, ngành du lịch Việt Nam buộc phải tập trung vào kênh tiếp thị điện tử (e-marketing). Luật Du lịch 2017 cũng đã có điều khoản quy định cơ quan quản lý về du lịch phải có nhiệm vụ hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh.

Thực tế cho thấy, tiếp thị điện tử trong du lịch đang là hướng đi được coi trọng. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tiến hành thông tin, quảng bá nhiều hoạt động, sự kiện du lịch trên các trang vietnamtourism.gov.vn và vietnamtourism.com, vietnamtourism.vn; quảng bá qua Youtube, Facebook với fanpage Vietnam Timeless-charm, phối hợp tổ chức các chương trình mega selfie, cuộc thi ảnh du lịch online, các chương trình trải nghiệm trên truyền hình… Và thu về kết quả tương đối khả quan như: kênh Youtube sau ba năm triển khai thu hút 340.000 lượt xem, fanpage thu hút hơn 19 nghìn người theo dõi thường xuyên, website vietnamtourism.com thu hút 2,3 triệu lượt truy cập, vietnamtourism.gov.vn thu hút khoảng 1,35 triệu lượt truy cập mỗi tháng... Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiếp thị điện tử trong xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động trên các website, mạng xã hội, nghiên cứu và áp dụng những ứng dụng du lịch dành cho thiết bị viễn thông cầm tay…

“Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia” là một trong những giải pháp trọng tâm được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiệm vụ này đòi hỏi cách tiếp cận và hành động chiến lược, bài bản, hệ thống với sự vào cuộc của các ban, ngành từ trung ương tới địa phương.

----------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-9-2017.

TRANG ANH
http://nhandan.com.vn