Quê hương Thục Phán “bứt tốp”
- Thứ tư - 17/02/2016 19:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện mạo mới của vùng ven sông Hồng
Những ngày này, về Đông Anh khách thập phương hẳn sẽ không khỏi bất ngờ bởi diện mạo đổi thay nhanh chóng của những làng quê ven sông Hồng. Không chỉ đường quốc lộ, liên xã, trục chính mà cả những tuyến giao thông nội đồng cũng được đầu tư xây dựng khang trang, rộng đẹp. Xe ô tô 4 chỗ, xe bán tải có thể di chuyển dễ dàng qua những cánh đồng.
Với diện tích quất gần 6.500m 2 , gia đình anh Nguyễn Viết Ánh (xã Tàm Xá, huyện Đông Anh)
thu lãi hơn 100 triệu đồng/ tháng. Ảnh: Đàm Duy
Theo chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Cổ Loa, hơn 1 năm trước, con đường dẫn vào xóm nhỏ ở thôn Sằn có 55 hộ dân này vẫn là đường đất gồ ghề, trời mưa là lầy lội đầy bùn đất rất khó đi. Nhưng nay, con đường dẫn vào làng đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, đi lại thuận lợi.
Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, Đông Anh đã đầu tư gần 400 dự án với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng phục vụ nâng cấp hạ tầng giao thông. Trong đó, phần lớn nguồn vốn là do nhân dân đóng góp bằng cả vật chất và ngày công lao động.
Theo Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Quốc Trung, sau khi phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được phát động, xã đã tích cực vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công lao động, ủng hộ vật chất để làm đường giao thông. Theo đó, xã đã có 118 hộ gia đình hiến trên 978m2 đất thổ cư và 3.240m2 đất nông nghiệp, đóng góp 17.198 ngày công và ủng hộ trên 7 tỷ đồng phục vụ xây dựng NTM.
Tương tự, tại các xã khác trên địa bàn huyện Đông Anh cũng đang có những đổi thay rõ rệt. Theo thống kê, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp, tổ chức đã đóng góp gần 183 tỷ đồng đầu tư các công trình hạ tầng dân sinh. Các cá nhân, hộ gia đình cũng đóng góp bằng nhiều hình thức với tổng giá trị quy ra tiền trên 200 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Văn Lệ - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh, trước khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thu nhập của bà con nông dân đạt dưới 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên 5,9%. Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thu nhập của người dân đã tăng lên trên 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 1,24%.
Đã có 21 xã đạt chuẩn
Ông Trần Đình Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, năm 2015 huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình 02 với nội dung từ 6-8 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Kết thúc giai đoạn I, 6 xã từ mức xuất phát điểm thấp đã có sự vươn lên phát triển kinh tế vững mạnh và hoàn thành tốt các tiêu chí.
Đến hết năm 2015, huyện Đông Anh có 21/23 xã đạt NTM giai đoạn 2011 – 2015. Sau huyện Đan Phượng, Đông Anh là 1 trong 3 huyện của TP.Hà Nội (cùng với Thanh Trì và Hoài Đức) đủ điều kiện đề nghị Chính phủ xét công nhận huyện NTM.
“Bên cạnh hoàn thành tốt các tiêu chí, huyện đã có 21/23 xã đạt chuẩn NTM. Huyện đang tập trung nguồn lực thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 5 xã chưa đạt chuẩn NTM sẽ được công nhận trong năm 2016” - ông Nam cho biết.
Một trong những thế mạnh của Đông Anh là tận dụng được thế mạnh đất trồng của địa phương, làm tốt công tác dồn điền đổi thửa nên những năm qua, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng cao, diện tích, năng suất, sản lượng của các loại cây trồng đều tăng. Năng suất lúa bình quân hiện đạt 50 - 53 tạ/ha, tăng bình quân 1,8 - 2,2 ha/tạ/ha/năm so với năm trước. Diện tích rau an toàn năm 2015 là 815ha, hàng năm tăng 15ha; diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt 48ha. Huyện Đông Anh còn đứng thứ 3 toàn thành phố về số lượng gia súc gia cầm được chăn nuôi. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 375 tỷ đồng.
Đánh giá về Chương trình xây dựng NTM ở huyện Đông Anh, ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cho biết huyện Đông Anh nằm trong tốp các huyện dẫn đầu của thành phố thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM và hy vọng trên cơ sở đó, trong năm 2016, Đông Anh sẽ hoàn thành xây dựng NTM ở tất cả các xã còn lại.
Theo: danviet.vn