Quốc hội bàn quyết sách tự chủ kinh tế

Quốc hội bàn quyết sách tự chủ kinh tế
"Việt Nam cần tăng cường hợp tác đa phương với nhiều nền kinh tế trên thế giới; tăng nội lực và cơ cấu lại sản xuất" là các giải pháp ứng phó với tình hình mới được các đại biểu (ĐB) Quốc hội đề cập sớm và khá thẳng thắn trong phiên họp toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội ngày 2/6.
Chuyển từ lệ thuộc  sang tương thuộc
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông leo thang, hầu hết các ĐB đều nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam phải bằng mọi cách chấm dứt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn. ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đề xuất, Chính phủ cần có biện pháp chủ động tìm kiếm các hình thức xuất nhập khẩu mới, đề phòng Trung Quốc gây sức ép về kinh tế, buộc chúng ta phải nhượng bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ĐB đoàn Lạng Sơn) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ĐB đoàn Lạng Sơn) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vì đây là cách thức hiệu quả hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với 
Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội Chu Sơn Hà: Chúng ta có chính nghĩa và tinh thần đại đoàn kết
Đất nước ta đang đứng trước khó khăn, quan trọng nhất là chúng ta có chính nghĩa, là tinh thần đoàn kết của người dân, triệu triệu người như một, ra sức thi đua toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ tạo thành làn sóng to lớn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
ĐB Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh): Quan tâm hơn tới nông nghiệp, nông thôn
 Không bàn tới điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà cần cố gắng giữ tăng trưởng trong những năm tới. Các chính sách cần căn cơ hơn như tăng thực lực nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách thuế, tiếp cận vốn ngân hàng, tăng tổng cầu, thúc đẩy người Việt Nam dùng hàng Việt Nam... Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế chưa ổn định bền vững cần quan tâm hơn nữa tới nông nghiệp nông thôn, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp bên cạnh tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể, để nông nghiệp thực sự trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế. 
ĐB Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình):Đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa
Nhiệm vụ cần làm là đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm hàng Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Đây là việc cần làm, là lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng bỏ trứng vào một giỏ như hiện nay.­­
các đối tác thương mại hàng đầu thế giới trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ các nền kinh tế khác có máy móc, thiết bị, công nghệ, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung giá rẻ hiện tại từ Trung Quốc. Vấn đề này cũng được ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định, đó là hợp tác theo tinh thần chuyển từ lệ thuộc sang quan hệ tương thuộc với các nước.
Được mời đăng đàn làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều ĐB quan tâm, trong đó có giao thương với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác quan trọng, nhưng Việt Nam luôn luôn nhập siêu trong quan hệ thương mại với đối tác này. Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do cần có các phương án đàm phán để đạt được các cam kết khả thi nhất cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt thận trọng và cứng rắn trong các vấn đề có thể có ảnh hưởng lớn tới người lao động, nông dân và sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phải bảo hộ mặt hàng nông nghiệp một cách hợp lý, đàm phán phải đạt được cam kết không can thiệp vào thể chế chính trị và có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển, có lộ trình phù hợp để từng bước thích ứng và đạt được lợi ích căn bản.
Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng
Theo đánh giá của nhiều ĐB, tín hiệu tích cực trên thị trường tài chính tiền tệ hiện nay là mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định, tái cơ cấu ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, các ĐB cũng chỉ ra, tín dụng đã thoát tăng trưởng âm, nhưng vẫn chậm, gói 30.000 tỷ đồng hiện mới giải ngân được trên 1.300 tỷ đồng, việc xử lý nợ xấu còn chậm; cơ chế, chính sách xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, bất cập...
Các ĐB đề nghị rút kinh nghiệm từ những thành công của năm trước, cố gắng từ bây giờ phải đẩy tín dụng ra, tránh tình trạng tăng trưởng tín dụng mấy năm nay đầu năm thì thấp, cuối năm thì tăng nhanh, do đó, cần khơi thông nguồn vốn, NHNN cần phân tích đúng về thực trạng dòng chảy tín dụng trên cơ sở 3 yếu tố có thể gây nghẽn, đó là: Cung (nội lực của tổ chức tín dụng), cầu (nhu cầu của doanh nghiệp) và các vấn đề kỹ thuật (rào cản pháp lý).
Về ngân sách, các ĐB băn khoăn về các khoản nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều tăng hàng năm và yêu cầu Chính phủ siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính và kỷ luật thu chi ngân sách, kể cả T.Ư và địa phương. Kiên quyết thu hồi các khoản chi sai mục đích, tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm người mắc sai phạm, dứt khoát làm mạnh mẽ hơn trước. Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn công tác nước ngoài.
Các ĐB đều thống nhất đề nghị trong Nghị quyết tới đây, Quốc hội cần có nội dung tăng cường dành nguồn lực để tập trung cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân, phát triển nhiều hơn nữa cho lực lượng kiểm ngư và có chính sách thu hút các nguồn lực hỗ trợ ngư dân, bảo vệ ngư trường, phát triển hải sản,  hỗ trợ lãi suất để ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Tại những vùng trọng điểm, lãi suất ưu đãi cho ngư dân nên về 0% thay vì 3% như hiện nay, việc cho vay phải trực tiếp đến từng địa chỉ, chủ tàu, nghiêm cấm qua trung gian…
Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ đã gửi đến ĐB xin ý kiến về phương án bảo đảm ngân sách năm 2013, với khoản tiền dự kiến dành 16.000 tỷ đồng ngân sách chi cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ.
Chủ động đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ
Phân tích vụ Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã khiến lòng yêu nước của dân tộc một lần nữa lại được khơi dậy mạnh mẽ trong các giai tầng xã hội, tuy nhiên, lòng yêu nước của một số công nhân có trình độ thấp đã bị kích động lợi dụng, vô tình biến họ trở thành người làm hại chính mình và ảnh hưởng tới tình hình chung của đất nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ĐB đoàn Thái Nguyên) thẳng thắn cho rằng, việc này đặt ra vấn đề phải khắc phục nhanh những hạn chế trong công tác quản lý công nhân các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tập trung. ĐB Lê Thị Nga đề xuất, trong tình hình nóng về chủ quyền biển đảo hiện nay, Nhà nước phải nói rõ cho người dân biết mình cần phải làm gì và tránh làm gì. Nhất là giúp công dân nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và hậu quả chính trị trong mỗi hành động của mình.
Theo ĐB Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai), sự việc này cũng đặt chúng ta phải luôn cảnh giác, không để bị động, phát hiện đấu tranh kịp thời âm mưu hành động chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn cả nước. Qua thảo luận, nhiều ĐB Quốc hội đồng tình, ủng hộ phương án khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.


nguồn: ktdt.vn