Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư 16.000 tỷ đồng

Chiều nay, 9-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; biểu quyết thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013.

Theo đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013 với nội dung sử dụng 44.643,7 tỷ đồng từ nguồn tăng bội chi ngân sách Nhà nước 33.500 tỷ đồng và giảm chi ngân sách Trung ương năm 2013 là 11.143,7 tỷ đồng để chi cho 3 khoản.

Thứ nhất là bù đắp hụt thu ngân sách Trung ương năm 2013 là 21.563 tỷ đồng; thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho các tỉnh là 960,8 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cho các địa phương từ số vượt thu thuế xuất khẩu khẩu tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ là 72 tỷ đồng; hỗ trợ giảm thu cân đối  ngân sách địa phương cho 6 tỉnh thành là 871,2 tỷ đồng.

Thứ hai, chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư là 16.000 tỷ đồng. Thứ ba, chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, hỗ trợ đất ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo… là 5.176,7 tỷ đồng.

*Cũng trong chiều nay, Quốc hội cũng nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự;  đồng thời thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường. ẢNH: LÃ ANH.

Về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay và trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội trình Quốc hội dự kiến đưa vào kỳ họp thứ 10 năm 2015 tại nội dung giám sát về hoạt động chất vấn tại Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến 2015.

Về lựa chọn chuyên đề giám sát, năm 2015, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp, gồm: 1 là tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường oan sai; 2 là sự gia nhập của kinh tế Việt Nam từ khi gia nhập WTO; 3 là tình hình chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai ở các nông lâm trường.

Thảo  luận về dự kiến chương trình giám sát 2015, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), cho rằng chọn chuyên đề giám sát cần chú ý tính thực tế cũng như tác động của những kiến nghị sau giám sát, vì vậy ĐB đề nghị chọn chuyên đề về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường oan sai và tình hình sử dụng đất đai ở các nông lâm trường. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đồng tình lựa chọn 2 chuyên đề giám sát 1 và 3. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung chuyên giám sát quản lý thị trường vì hiện nay có quá nhiều mặt hàng kém chất lượng, giả, lậu.. tác động đến sức khỏe, kinh tế, sản xuất của người dân.

Hầu hết các ĐBQH có chung lựa chọn 2 chuyên đề giám sát trong năm 2015 là chuyên đề 1, 3. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), đề nghị nêu cao chất lượng giám sát của Quốc hội, đưa những kiến nghị sau giám sát đưa vào cuộc sống. 

Sáng nay, 9-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật căn cước công dân và Dự án Luật hộ tịch. Đây là 2 luật mới nhằm triển khai Hiến pháp sửa đổi, rất quan trọng và liên quan thiết thân đến mỗi con người sinh ra và lớn lên ở đất nước Việt Nam. 2 dự luật cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cải cách hành chính trong quản lý dân cư, tạo thuận lợi  cho mọi người dân.

Ông Đỗ Văn Cương - đại diện vụ Pháp chế, Bộ Công an giới thiệu về giấy chứng minh nhân dân 12 số. Ảnh: Lã Anh

Không nên vội vã áp dụng luật căn cước công dân

Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật căn cước công dân, Chính phủ đề xuất làm thẻ Căn cước công dân với tư cách là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, thay thế chứng minh thư nhân dân (CMND) hiện đang sử dụng. Trên thẻ căn cước có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Trên thẻ ghi số định danh cá nhân, thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc... nên công dân có thể sử dụng để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác.

Thẻ căn cước dự kiến được cấp cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp 2013.

Góp ý về dự án luật này, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), đồng ý cấp thẻ căn cước công dân thay cho giấy CMND hiện hành, cấp ngay từ khi công dân sinh ra, bảo đảm quyền con người, nêu được gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân đó. Đồng ý không đưa tên cha mẹ vào thẻ căn cước công dân để bảo đảm bí mật riêng tư của công dân.

Về thời điểm cấp thẻ, ĐB Huỳnh Minh Thiện, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM)  và một số ĐB cho rằng, cần quy định trẻ sinh ra bao nhiêu ngày thì được cấp thẻ. Về khái niệm quê quán, nguyên quán, sinh quán, cần giải thích rõ vì nhiều ý kiến hiểu khác nhau, vận dụng khác nhau. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị thẻ căn cước công dân cần bổ sung thông tin về nhóm máu để khi xảy ra tai nạn, cấp cứu, chỉ cần tra thông tin là biết ngay cần phải lấy máu ở ngân hàng nào. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng cần tính toán việc đưa thông tin về nhóm màu vì tính khả thi (lấy nhóm máu của 90 triệu dân không đơn giản), tính bí mật đời tư...

Về việc có nên ghi tên cha mẹ trên thẻ căn cước công dân hay không, ĐB Lưu Hữu Phước (TPHCM) cho rằng, không nên bỏ ghi tên cha mẹ trên thẻ căn cước công dân, nếu Nhà nước muốn bảo vệ bí mật đời tư của công dân thì nên để công dân tự quyền quyết định ghi tên cha mẹ trên thẻ hay không.

ĐB Lê Đông Phong (TPHCM), Phó Giám đốc sở Công an TPHCM nhấn mạnh, thẻ căn cước công dân tạo thuận lợi cho công dân, tiện lợi trong quản lý, tạo sự tương tác giữa công dân và Nhà nước. “Tuy nhiên, dự thảo chưa khái quát được hết mục đích là nêu  gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân đó. Vì thế, cần bổ sung thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng và sinh học khác được quy định trong dự luật để phân biệt người này, người khác. Ví dụ cần có thông tin về nhóm máu, vân tay..”, ĐB Phong đề xuất.

Đặc biệt, một số ĐBQH băn khoăn về thời hạn áp dụng luật thẻ căn cước công dân. “Dự án Luật căn cước công dân làm nhẹ bớt cái túi của công dân khi đi công tác, đi đường (hiện nay quá nhiều loại giấy tờ), ai cũng mong làm sớm. Nhưng thời gian áp dụng luật này cũng phải tính,  phải bảo đảm tránh tối đa các sai sót. Hiện nay, có  hàng triệu trường hợp mà thông tin gốc so với giấy chứng minh nhân dân có sai sót. Đề nghị không nên vội vã áp dụng từ 1-1-2015 vì chưa bảo đảm đủ hạ tầng cơ sở”, ĐB Ngân nói và nhận được sự chia sẻ, đồng tình của một số ĐBQH khác.

Luật hộ tịch: Phải bảo mật được thông tin cá nhân

Về dự án luật hộ tịch, ĐB Lê Đông Phong (TPHCM), cho rằng, căn cước công dân liên quan mật thiết đến luật hộ tịch, vì đều có những thông tin về nhân thân, công dân. “Trước đây quản lý hộ tịch, căn cước là một đầu mối. Ban hành luật hộ tịch là cần thiết, nhưng cần giải thích rõ mối liên hệ giữa 2 luật này, loại bỏ những trùng lắp để tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như công dân. Cần tính toán để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ để tích hợp được thông tin cả về thẻ căn cước và hộ tịch. Đòi hỏi tính đồng bộ, thống nhất của cơ sở dữ liệu 2 lĩnh vực này, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, tránh tình trạng mỗi bên một dự án riêng rồi không tích hợp được. Chính phủ phải thuyết trình rất rõ về vấn đề này. Đồng thời phải giải thích rõ sự bảo mật thông tin cá nhân của công dân”, ĐB Phong kiến nghị.

ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) nhất trí quan điểm của ĐB Phong về quản lý thế nào, cách khai thác thông tin ra sao để bảo đảm không trùng lắp, chồng lấn cũng như bảo mật được thông tin của công dân.

ĐB Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh, luật Hộ tịch mục đích là quản lý nhân thân là con người từ sinh ra đến khi chết. “Trong quá trình con người đó hoạt động thì toàn bộ thông tin của họ sẽ được cập nhật ở đâu?. Cần cập nhật các thông tin toàn diện của một con người, cả về tiền án tiền sự và do các cơ quan quản lý liên quan quản lý. Khâu quan trọng nhất là quản lý thông tin, cần quản lý động chứ không tĩnh như hiện nay. Toàn bộ con người từ khi sinh ra chết đi đều phải được thể hiện rõ ở khâu hộ tịch, vấn đề là phải quản lý”, ĐB Lịch nói  và cho rằng, cần nêu rõ ai được quyền truy cập, cung cấp những thông tin riêng của công dân trong cơ sở dữ liệu, luật phải làm rõ điều này.

theo sggp