Quốc hội thông qua một luật, bốn nghị quyết
- Thứ tư - 21/06/2017 06:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 134 điều, quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Luật điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, trong đó có bổ sung giám sát cộng đồng đối với tài sản công, các hành vi bị cấm, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên… Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với tỷ lệ 86,35%. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Nghị quyết là sẽ xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15-8-2017. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định một số nội dung về bổ sung quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu (bao gồm thu giữ tài sản bảo đảm), mua bán nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm…
Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 là một trong những văn bản quan trọng nhất, được cử tri quan tâm và liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân. Nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ biểu quyết 93,28%.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý, hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm, đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm… Nghị quyết cũng cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm. Hằng năm, Chính phủ cũng phải báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm trước vào kỳ họp đầu năm sau.
Nghị quyết thứ ba được thông qua trong buổi làm việc cuối cùng hôm nay là về chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 với tỷ lệ 93,28. Nghị quyết nêu rõ Quốc hội ghi nhận nỗ lực, các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện các cam kết, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế và kế hoạch và đầu tư.
Nghị quyết cuối cùng được thông qua ngày 21-6 là Nghị quyết về thành lập đoàn Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”. Đoàn giám sát sẽ do ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn. Các Phó trưởng đoàn bao gồm ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn thường trực; ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
TUYẾT LOAN. Ảnh: DUY LINH
nhandan.com.vn