“Quy định của Bộ Chính trị kịp thời chấn chỉnh cán bộ cao cấp sai phạm“

VOV.VN - Đảng viên cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ cao cấp là cần thiết để chấm dứt một số "bệnh trầm kha".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

 

quy dinh cua bo chinh tri kip thoi chan chinh can bo cao cap sai pham hinh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

 

Ông Võ Thanh Nghị, đảng viên, đang sống tại thành phố Tân An, tỉnh Long An ủng hộ việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Chấm dứt “bệnh trầm kha”

Theo ông Nghị, những quy định này sát với tình hình thực tế, thực sự cần thiết để chấm dứt một số “bệnh trầm kha” như bệnh thành tích, bệnh đổ lỗi.

Ông Nghị mong muốn, từ những quy định cụ thể như vậy, người đứng đầu phải thật sự tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, có đức có tài thật sự.

“Quy định số 89 và 90 được triển khai thực hiện thì chắc chắn sẽ đi vào lòng dân, đạt kết quả tốt đẹp, không còn tình trạng vàng thau lẫn lộn, trắng đen không rõ ràng” – ông Võ Thanh Nghị nói.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, khung tiêu chuẩn này là kết quả của việc Đảng ta tổng kết thực tiễn công tác cán bộ nói chung, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng. Những quy định này lần đầu tiên lượng hóa những tiêu chuẩn, tránh việc cảm tính trong đánh giá cán bộ trước đây.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta có quy định mang tính định lượng để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, từ đó đánh giá cán bộ một cách khách quan và gắn với nhiệm vụ chính trị. Đây là bước tiến lớn trong nhận thức của Đảng về công tác cán bộ.

Ông Nguyễn Việt Hùng cũng cho rằng, công tác cán bộ luôn giữ vị trí trọng yếu, then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Những quy định mới này sẽ trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng công các cán bộ chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.

“Hai quy định mới này sẽ giúp chúng ta làm công tác cán bộ công tâm, khách quan, và đổi mới thực chất công tác cán bộ, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm như vừa qua” – TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Kịp thời chấn chỉnh sai phạm của cán bộ cao cấp

Ông Đặng Công Hậu, cán bộ hưu trí ở phường 7, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu ý kiến: “Chọn cán bộ phải có tiêu chuẩn, không dính đến tham nhũng, lợi ích nhóm, những người này phải thật sự vì nước vì dân, gương mẫu. Tham nhũng, lợi ích nhóm lôi kéo nhau làm xói mòn trong Đảng. Những người nào hiểu được tâm tư nguyện vọng của quần chúng, đồng cam, cộng khổ với nhân dân thì những người đó thật sự có bản chất cộng sản để đảm đương công việc của Đảng và Nhà nước”.

 

quy dinh cua bo chinh tri kip thoi chan chinh can bo cao cap sai pham hinh 2
Bà Vũ Thị Ngọc Liên.
Qua theo dõi thông tin từ báo chí, bà Vũ Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận bày tỏ sự tán thành với các nội dung quy định mới của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá nhân sự cao cấp của Đảng và Nhà nước mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành.

 

Trong tình hình thực tế hiện nay, bà Liên cho rằng để làm được điều đó cần phải nêu cao vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, nơi trực tiếp quản lý cán bộ đảng viên đó. Quan trọng nhất là cơ sở Đảng phải thường xuyên bám sát tình hình thực tế để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của cán bộ cao cấp.

“Chi bộ cơ sở phải quản lý chặt chẽ đảng viên để theo dõi quá trình công tác, sinh hoạt của họ. Thường xuyên định kỳ hàng tháng có sinh hoạt chi bộ, thì chi bộ mới đấu tranh. Những ưu điểm của cán bộ thì phát huy, còn những vấn đề nào sai trái, thiếu sót thì kịp thời phát hiện để đấu tranh khắc phục. Tránh tình trạng để sự việc xảy ra rồi, khi đó mới kiểm tra, kết luận, xử lý” – bà Vũ Thị Ngọc Liên bày tỏ.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Công Thạnh, cán bộ hưu trí ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho rằng, quy định mới ban hành nhấn mạnh vai trò cá nhân, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... là rất hợp lòng dân.

“Tiêu chuẩn chức danh lựa chọn đầu vào của cán bộ khá chặt chẽ. Khi được đề cử vào chức danh đó thì anh phải rèn luyện, nếu thấy làm không nổi thì tự nguyện từ chức, chứ không bấu víu, giữ như thế được” – ông Thạnh nói.

“Lãnh đạo cao nhất của Đảng đã quyết tâm làm như thế thì tất cả những cán bộ trong bộ máy, ở cương vị nào cũng phải làm trọn công việc của mình. Đảng viên lâu năm và cán bộ hưu trí chúng tôi rất hoan nghênh, đề nghị thực hiện cho triệt để. Tôi nghĩ trong giai đoạn này cần phải triệt để và kiên quyết, bầu anh vào mà anh không làm được theo quy định thì để người khác lên làm” – ông Đỗ Văn Bàng, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, ở phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết./.

 

 

Nhóm PV/VOV