Quy hoạch nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới: Bài toán khó ở Nam Định

Đến nay, 209 xã, thị trấn của Nam Định đã hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuỳ vào đặc điểm của từng vùng, mỗi địa phương có quy hoạch sản xuất khác nhau song nhìn chung quy hoạch của các địa phương đều được thực hiện theo hướng đảm bảo an ninh lương thực gắn với phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo tính bền vững của quy hoạch đang là bài toán khó của tỉnh…
Nhiều nông dân ở Nam Định tự ý trồng cây cảnh trên đất trồng lúa, phá vỡ quy hoạch sản xuất
Đảm bảo an ninh lương thực gắn với sản xuất nông sản hàng hóa
 
Mục tiêu này được thể hiện khá rõ khi các địa phương trong tỉnh đều dành phần lớn diện tích đất nông nghiệp để quy hoạch trồng lúa, bao gồm diện tích trồng lúa cao sản, đặc sản và lúa giống. Diện tích trồng lúa năng suất, hiệu quả kinh tế thấp được nhiều địa phương quy hoạch, chuyển đổi sang trồng rau màu và nuôi thuỷ sản. Các huyện phía Nam như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh thực hiện quy hoạch, chuyển đổi những diện tích đất chân cao, đất thịt nhẹ sang trồng cà chua, dưa chuột, dưa hấu; các huyện phía Bắc như Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc thực hiện quy hoạch, chuyển đổi những diện tích đất pha cát sang trồng lạc, khoai tây, ngô ngọt.
 
Nhiều địa phương quy hoạch được các vùng chuyên sản xuất rau màu, trong đó có các vùng sản xuất rau sạch. Hầu hết diện tích đất bãi ven sông, ven biển, đất trũng được các địa phương dùng quy hoạch phát triển mô hình kinh tế trang trại. Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) có 581,9 ha đất 2 lúa. Trên cơ sở định hướng quy hoạch chung của huyện, xã Nghĩa Phong dành 304,4 ha (chiếm 52,3 % tổng diện tích ) quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất lúa năng suất cao, phục vụ mục đích đảm bảo an ninh lương thực. Hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao thu nhập cho người nông dân, xã quy hoạch 79 ha đất canh tác chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, quy hoạch 37,3 ha chuyên nuôi trồng thuỷ sản... Xã cũng đã quy hoạch 5,9 ha cho mục đích phát triển kinh tế trang trại. Xuất phát từ định hướng mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại nên trong đợt quy hoạch này, các xã, thị trấn trong huyện Hải Hậu đã quy hoạch, chuyển đổi nhiều diện tích từ trồng lúa, làm muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng rau màu và cây cảnh.
 
Trước đó huyện đã chuyển được 699 ha, theo kế hoạch từ nay đến năm 2013 huyện thực hiện chuyển đổi thêm 500 ha. Các xã, thị trấn trong huyện cũng đã quy hoạch, dành diện tích lớn cho mục đích phát triển mô hình kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có 350 trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Huyện phấn đấu đến năm 2015 xây dựng được 450 trang trại. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của các xã, thị trấn trong huyện Trực Ninh tới đây cũng sẽ phát triển theo các vùng đã quy hoạch, bao gồm vùng quy hoạch sản xuất lúa, vùng quy hoạch sản xuất cây vụ đông, vùng quy hoạch trồng hoa, cây cảnh, vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản…
 
Kém bền vững
 
Một trong những yêu cầu quan trọng sau quy hoạch đó là đảm bảo tính bền vững của quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở nhiều địa phương của Nam Định tình trạng bà con nông dân sản xuất theo phong trào, không theo quy hoạch vẫn đang diễn ra, khiến quy hoạch sản xuất không còn ý nghĩa. Tình trạng trên có nguyên nhân, trong đó chất lượng quy hoạch sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh còn bất cập, chưa sát với tình hình thực tế, chưa sát nhu cầu thị trường, đặc biệt không có sự đầu tư cần thiết về cơ sở hạ tầng đảm bảo duy trì, phát triển sản xuất theo quy hoạch. Thu nhập từ trồng lúa quá thấp cũng là nguyên nhân khiến người nông dân không mặn mà với cây lúa, sẵn sàng chuyển đổi dù đã được quy hoạch.
 
Nhằm phá thế độc canh cây lúa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, từ năm 2003 xã Xuân Phong (Xuân Trường) đã quy hoạch, chuyển 20 ha đất trồng lúa sang sản xuất rau màu. Trong đó nông dân trong xã thực hiện luân canh 4 vụ trong năm gồm: dưa hấu xuân, đậu tương hè thu, dưa hấu thu đông, khoai tây đông xuân. Tuy nhiên, xã chỉ duy trì được mô hình chuyển đổi trên trong mấy năm đầu. Hiện tại nông dân trong xã đã bỏ sản xuất.
 
Theo ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân là do mấy năm gần đây nhiều địa phương trong tỉnh cùng ồ ạt đưa cây dưa hấu vào sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm trở nên bấp bênh, hạch toán bị lỗ khiến nông dân trong xã dần bỏ sản xuất. Cách đây mấy năm, xã Yên Phú (Ý Yên) cũng từng quy hoạch, đưa hàng chục ha vào sản xuất rau màu vụ đông, trong đó chủ lực là cây cà chua. Ông Nguyễn Duy Hiền, Bí thư Đảng uỷ xã cũng cho biết, khi đó xã đã thực hiện liên kết với một số doanh nghiệp, trong đó có nhà máy chế biến cà chua Hải Phòng thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, việc liên kết chỉ suôn sẻ trong thời gian đầu. Không ít lần đến kỳ thu hoạch nhà máy không thực hiện thu mua, nông dân phải bán đổ bán tháo. Chi phí lớn lại mất nhiều công chăm sóc, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến nông dân trong xã không còn mặn mà với cây vụ đông, diện tích cây vụ đông của xã do vậy giảm mạnh.
Theo Baomoi