Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Thứ hai - 15/05/2017 04:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ảnh minh họa
Theo Nghị quyết, tỉnh Yên Bái phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; hình thành và phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế hộ để xây dựng các chuỗi giá trị sản phâm nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nhân lực; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, mỗi địa phương.
Về mục tiêu phát triển, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung đầu tư về khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng để tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới; Quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện; xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống nông dân, tăng cường khả năng thích ứng với biến đối khí hậu.
Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 là 4,6% và đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh 2010) giai đoạn 2021 - 2030 là 4,7%; Sản lượng lương thực có hạt bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 320.000 tấn/năm; Sản lượng chè búp tươi năm 2020 đạt 85.000 tấn và đến năm 2030 là 90.000 tấn; Sản lượng quả (cây ăn quả) năm 2020 đạt 50.000 tấn và đến năm 2030 là 80.000 tấn; Giá trị sản sản xuất nông nghiệp bình quân 1 ha năm 2020 đạt 80 triệu đồng và đến năm 2030 là 100 triệu đồng; Tỷ lệ các xã đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2020 là 40% (64/157 xã), tỷ lệ các huyện đạt tiêu chí nông thôn mới là 14,3% (1/7 huyện) và tỷ lệ các xã đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2030 khoảng 70% (khoảng 110 xã)…
Nghị quyết cũng nêu rõ nội dung điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 và đề ra các giải pháp cụ thể đó là: Tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; đổi mới cơ cấu đầu tư đảm bảo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chú trọng đến tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; có chính sách phù hợp khuyến khích các thành phần kinh tế tự bỏ vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sau đó trực tiếp vận hành khai thác đáp ứng nhu cầu sản xuất và dịch vụ.
Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp; Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ; Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp, đào tạo phát triền nguồn nhân lực; Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, từng bước chuyển đổi cơ cấu thị trường, tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao nội lực, hướng tới mục tiêu liên kết.
Khuyến khích tích tụ đất đai với quy mô hợp lý (tùy vào đối tượng và công nghệ sản xuất) để làm cơ sở cho quá trình hiện đại hoá nông nghiệp, nhất là cơ giới hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp hàng hóa hướng ra xuất khẩu.
Sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy, cán bộ ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn; nâng cao trình độ chính trị, quản lý, trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức. Các tổ chức trong hệ thống chính trị căn cứ chức năng nhiệm vụ, xây dựng chương trình hành động và tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện tốt các nội dung quy hoạch.
Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cho các cấp chính quyền và các ngành chức năng về việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi và lâm nghiệp; Xây dựng mới, nâng cấp các công trình thủy lợi, phục vụ tốt cho việc phòng chống thiên tai và đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh…