Quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa rõ ràng

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa rõ ràng
Ngày 24-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ về báo cáo kinh tế xã hội năm 2015 của Chính phủ, trước khi báo cáo này được cho ý kiến tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới. Nhiều ĐB đã đề nghị làm rõ về tình hình sản xuất nông nghiệp khi tình trạng ùn ứ hàng hóa cứ kéo dài mãi.
 
Nhiều năm nay, nông dân thường rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá
 
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tăng trưởng GDP quý I-2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây. Trong quý có hơn 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 111.000 tỷ đồng (tăng 3,8% về số doanh nghiệp và 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Về tái cơ cấu DNNN, tính đến 24-3, toàn bộ 289 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 đều đã thành lập ban chỉ đạo (trong đó có 29 doanh nghiệp đã cổ phần hóa). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2015 tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Đông, chỉ số giá tăng thấp chủ yếu do tác động giảm giá dầu trên thế giới và nguồn cung dồi dào, trong khi tổng cầu chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, lãi suất tiếp tục giảm là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. 
 
 ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đánh giá, báo cáo cần phân tích rõ việc nhìn vào thực tế thì thấy tình trạng doanh nghiệp phá sản, khó khăn vẫn rất lớn, vậy mà tăng trưởng vẫn tốt, như vậy là thế nào? Tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nông nghiệp, dưa hấu, cứ kéo dài mãi, phải chăng do điều hành kém quá?
 
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị ngành nông nghiệp phải giúp người nông dân biết trồng cây gì? nuôi con gì? triển khai mô hình hợp tác xã ra sao? Cần chính sách nâng cao hiệu quả quản trị của hợp tác xã. Kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa trong nông nghiệp, phải coi những sản phẩm không tuân theo các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì đó là hàng giả. Trong khi đó, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị báo cáo rõ về quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bởi hiện tiến độ cổ phần hóa rất chậm. 
 
Ở góc độ khác, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, năm 2014, có một con số rất đáng suy nghĩ là CPI, chúng ta đặt ra chỉ số lạm phát kỳ vọng là 6,5-7%, nhưng báo cáo là 1,84%. Từ đó ông Lịch đề nghị làm rõ là thành công hay không? Bởi vì doanh nghiệp căn cứ trên chỉ số lạm phát kỳ vọng để vay (lãi suất lên đến 10-11%), trong khi lạm phát thực tế thấp nhất vậy thì có nghĩa là lãi suất rất cao. 
 
Ông Lịch kiến nghị, cải cách thủ tục hành chính phải mạnh mẽ hơn, rút thời gian khai thuế, khai báo hải quan.
Nguồn: daidoanket.vn