Quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Vào guồng

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Vào guồng
Xây dựng nông thôn mới được xác định như một cuộc cách mạng lớn lao nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân Việt Nam. Mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình (giai đoạn 2010 - 2020) với những kết quả đáng mừng, những tín hiệu đặc biệt khả quan về một chương trình vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân.


Làm đường nông thôn mới tại xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Ngày càng nhiều xã nông thôn mới

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết quý I/2014 đã có nhiều xã nông thôn mới được hình thành. Cụ thể, trong tổng số 9.008 xã tham gia chương trình, đã có 185 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tức đạt 19/19 tiêu chí, 622 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 2.646 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và chỉ còn 7 xã chưa đạt được tiêu chí nào. Sau 3 năm triển khai chương trình, mức đạt tiêu chí bình quân/xã của các tỉnh, thành phố tăng từ 5,27 tiêu chí năm 2011 lên 8,62 tiêu chí vào cuối quý I/2014.

Đến nay, toàn quốc đã có 93,7% số xã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Trong đó, nhiều tỉnh, thành đã hoàn thành 100% công tác quy hoạch xây dựng NTM như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Yên, Đắk Nông... Ở nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới, góp phần đưa diện mạo nông thôn Việt Nam khởi sắc rõ nét.

Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết, từ năm 2010 - 2013 nguồn vốn đầu tư, cải tạo và nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện nông thôn vào khoảng 15.205 tỷ đồng. Điều đáng mừng là đã có 98,6% số xã, 96,6% số hộ dân nông thôn trên địa bàn toàn quốc có điện thắp sáng, trong đó có 16 tỉnh đạt 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Hết quý I/2014, cả nước có 67,2% số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã tập trung nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, xây dựng 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải, 40% số xã có tổ thu gom rác thải, tăng 10% so với thời điểm trước khi thực hiện chương trình.

Ban chỉ đạo Trung ương xác định trong thời gian sắp tới, cả nước sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Ban chỉ đạo cũng đề ra những mục tiêu cụ thể, chẳng hạn đối với các xã chưa đạt chuẩn, phấn đấu tăng từ 2 - 3 tiêu chí, các tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có huyện đạt huyện nông thôn mới, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Đánh giá về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, hiện nay nhận thức của phần lớn cán bộ, người dân đã có chuyển biến rõ ràng, góp phần quan trọng vào việc phát triển rộng rãi phong trào xây dựng nông thôn mới trong cả nước, nâng cao tính dân chủ và ý thức trách nhiệm của người dân. Diện mạo nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới văn minh hơn, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" được 43 tỉnh, thành áp dụng. Riêng vụ Đông Xuân 2013 - 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên đến 100.000ha, trong đó nhiều nhất là An Giang với 35.000ha.

Đến nay, cả nước có trên 9.000 mô hình sản xuất với tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 8.400 tỷ đồng, góp phần làm tăng năng suất cao hơn trước từ 15 - 40%. Hàng chục mô hình phát triển sản xuất hiệu quả cao đã được nhân rộng ra nhiều địa phương, trong đó đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nông thôn ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, hoặc các mô hình "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng", trồng cao su, sản xuất lúa giống, nuôi cá nước ngọt... ở tỉnh Phú Yên.

Nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực phù hợp nên đã huy động được sự tham gia của đông đảo người dân và toàn xã hội. Chẳng hạn như tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách hỗ trợ bình quân 170 tấn xi măng, 2 triệu đồng và toàn bộ cống qua đường (bằng 50% chi phí) để xây dựng đường bê tông, trong khi người dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, dịch chuyển cổng để xây dựng đường nông thôn mới...

Nhờ những nỗ lực chung tay xây dựng nông thôn mới của các địa phương, thu nhập của nông dân trong cả nước năm 2013 đã tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010, đã có 30,1% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 52% số xã đạt tiêu chí về việc làm và 24,5% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo. Mức thu nhập, đời sống của người dân nông thôn của nhiều tỉnh, thành được cải thiện, bình quân thu nhập đầu người đã bước đầu tăng lên, như ở tỉnh Khánh Hòa, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2011 là 11,96 triệu đ/người/năm đã tăng lên 16,62 triệu đ/người/năm vào năm 2013.

Theo baoxaydung.com.vn