Quy mô nhỏ, hiệu quả lớn

Với quan điểm “trao cần câu hơn cho con cá”, nhưng “phải có kỹ thuật câu tốt mới câu được cá to”, Tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) đã triển khai những dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở (JPP) dành cho người dân, cán bộ, và chính quyền địa phương.

Những dự án JPP thường có quy mô nhỏ, với nội dung đơn giản như hướng dẫn người dân vùng lũ lụt trong những ngày lũ cao ruộng ngập thì trồng nấm rơm, hay dạy cho trẻ nhỏ vùng lũ nhận biết nếu có mưa ngập, nước ngập đến đâu là lũ về, khi lũ về thì phải làm gì, hay như làm sao vẫn ngăn được sâu bệnh mà rau vẫn bảo đảm sạch...

Ông Masuda Chikahiro, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam và nhân viên đang thuyết minh về các dự án JPP

Những điều này đã hỗ trợ trực tiếp nhu cầu phát triển của người dân địa phương, giúp cải thiện sinh kế, điều kiện sống. Và JPP đã mang hiệu quả thực sự bền vững lâu dài bởi khi dự án kết thúc, chuyên gia rút đi thì người dân vẫn tiếp tục ứng dụng những kiến thức, kỹ thuật đó trong công việc, trong cuộc sống.

“Sự hiểu biết, kiến thức và kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, kỹ năng thích ứng sẽ còn mãi, và mỗi ngày một hữu ích hơn với người được hỗ trợ”, ông Masuda Chikahiro, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam phát biểu.

Năm nào cũng vậy, người dân miền Trung phải hứng chịu rất nhiều thiên tai… Cứ lũ đến, mưa về, là cuốn đi bao tài sản, nhấn chìm ruộng vườn, cuốn trôi gia súc. Rồi làng bản ngập chìm trong nước, cuộc sống đảo lộn và đình trệ, cái đói kéo về.

“Vấn đề quan trọng đối với cộng đồng và người dân sống ở khu vực thường xảy ra thiên tai là tích lũy hàng ngày những kinh nghiệm và nỗ lực phòng chống thiên tai với quy mô nhỏ và phục hồi cuộc sống sinh hoạt sau thiên tai”, theo TS.Ngô Tùng Đức - Đại học Nông Lâm Huế. JICA đã hỗ trợ Đại học Nông Lâm Huế thực hiện dự án hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai, nuôi xen các loài thuỷ sản thích ứng được với ngập lũ…

Bên cạnh đó, JPP cũng có các dự án hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng nấm trên rơm rạ của Nhật Bản, vừa tận dụng được gốc rơm rạ, vừa có việc những lúc nông nhàn, tăng thêm nguồn thu nhập...

Ngoài ra, những dự án JPP còn giúp cải thiện hệ thống cấp và thoát nước, chăm sóc sức khỏe y tế, quản lý môi trường, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực y tế, giáo dục...

 Dự án nuôi gà sao tại Huế

Bắt đầu thực hiện từ năm 2002, đến nay có 88 dự án đã đang triển khai trên hơn 10 tỉnh trong toàn quốc với kinh phí cho mỗi dự án từ 9 triệu đến 90 triệu USD. Nguồn hỗ trợ là từ các tổ chức phi Chính phủ (NGO), trường đại học, chính quyền địa phương hay các nhóm cộng đồng của Nhật Bản. Gần đây nhất là dự án hỗ trợ kỹ thuật phục hồi chức năng sử dụng xe lăn đạp chân tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

JPP còn có nhiều dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang thực hiện ở Việt Nam như: Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp nặng - hóa chất  (Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh); Xây dựng trường Đại học Cần Thơ thành viện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp cho tỉnh Đồng Nai...

“Không phải cứ có kinh phí nhiều mà hiệu quả cao. Phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật không cần đầu tư nhiều, nhưng mang lại hiệu quả lâu dài. Kỹ thuật và kiến thức sẽ còn mãi và luôn hữu ích”, ông Masuda Chikahiro phát biểu. Hơn nữa, mỗi cá nhân ấy sẽ lại là những hạt nhân lan tỏa kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm tới những người khác nữa.

Ông Masuda Chikahiro cho biết thêm, ở Nhật Bản rất nhiều địa phương có kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp sạch và luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Không ít dự án nông nghiệp đang được JICA triển khai ở nhiều tỉnh như Nghệ An, Hưng Yên…

JPP cũng đã triển khai những dự án hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho cơ quan Chính phủ, chính quyền và người dân địa phương. JICA cho rằng, hỗ trợ từ người dân đi lên sẽ mang tính tổng thể và toàn diện hơn, bền vững hơn.