Quyền giám sát quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế

Mặc dù theo quy định tại Điều 199 Luật Đất đai năm 2013, công dân có quyền thực hiện giám sát quản lý và sử dụng đất đai thông qua 2 cơ chế là “tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai”, tuy nhiên, trên thực tế việc giám sát theo cả hai hình thức này còn nhiều hạn chế.
Toàn cảnh hội thảo

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng 12/4, tại Hà Nội.

Theo kết quả khảo sát Dự án Công dân giám sát trong quản trị đất đai do Chương trình quản trị đất đai vùng Mê Kông hỗ trợ thực hiện, từ tháng 7/2016 đến tháng 3/2018, trên địa bàn 4 xã/phường thuộc 3 tỉnh gồm xã Yên Bồng (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình); xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) và các phường Hưng Phú, Hưng Thịnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho thấy, mặc dù theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, công dân có quyền thực hiện giám sát quản lý và sử dụng đất đai thông qua 2 cơ chế là tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 199 Luật Đất đai năm 2013), trên thực tế việc giám sát theo cả hai hình thức này còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, hiện tại đã có một hành lang pháp lý cơ bản tương đối đầy đủ cho nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều bên liên quan, sự tham gia của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội vào công tác giám sát quản lý đất đai chưa thường xuyên và chưa được thực thi hiệu quả. Đặc biệt, ở cấp xã, phường vai trò giám sát của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị khá mở nhạt. Thông tin khảo sát ở 4 xã phường trong phạm vi dự án cho thấy, ở thời điểm đầu năm 2017 có 2/4 xã phường chưa hề có bất cứ kế hoạch nào liên quan đến giám sát đất đai.

Về hoạt động giám sát đất đai trực tiếp của công dân, kết quả khảo sát của dự án cho thấy, công dân còn chưa thực sự ý thức được rõ quyền giám sát của mình với đất đai. Trong số 180 người được tham vấn ở 3 địa bàn khảo sát, có từ 83-93% người trả lời cho rằng người dân nên được quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, tuy nhiên, hiểu biết của họ về quyền giám sát đối với quản lý và sử dụng đất đai còn khá hạn chế. Tại Hà Tĩnh, chỉ có 25% số người tham gia khảo sát cho biết rằng họ có biết đến Luật Đất đai, tỷ lệ này ở Hòa Bình là 15%.

Mặc dù biết là có Luật Đất đai, nhưng không nhiều người dân nắm được nội dung chi tiết của văn bản quan trọng này. Nguyên nhân do việc tiếp cận thông tin liên quan đến đất đai còn hạn chế. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 50% số người được hỏi cho biết họ không tiếp cận được các thông tin liên quan đến đất đai. Đặc biệt, với các nội dung về thống kê, kiểm kê, thuê đất, giá đất, bồi thường tái định cư, luôn có từ 60-78% số người được hỏi trả lời họ không tiếp cận được thông tin này….

Đánh giá chung về các điều kiện để công dân có thể thực thi được quyền giám sát của mình, có đến 58,8% số người được hỏi trên địa bàn khảo sát cho rằng, với những điều kiện như hiện tại thì công dân không thể thực hiện quyền giám sát đối với quản lý và sử dụng đất đai. Một mặt do họ chưa chủ động và chưa biết mình sẽ phải làm gì. Mặt khác, mặc dù 4 xã/phường thực hiện khảo sát đều đang có những vướng mắc về đất đai nhưng số người có thể hiện quyền giám sát của mình cũng rất thấp và thực hiện dưới 3 hình thức: góp ý, kiến nghị hoặc phản ánh thông qua các cuộc họp, hoặc đến cơ quan chức năng và đoàn thể.

Các chuyên gia đánh giá, sự tham gia giám sát của công dân góp phần cải thiện rõ rệt những hạn chế trong việc thực thi các chính sách liên quan đến đất đai như phát hiện sai sót, giải quyết các trường hợp vướng mắc. Việc giám sát quản lý và sử dụng đất đai mới được Luật Đất đai quy định, để việc giám sát của công dân được thực chất và hiệu quả cần tạo thói quen giám sát và phản biện về chính sách của công dân. Cần nâng cao nhận thức và vai trò của chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trong việc tạo điều kiện cho công dân giám sát đất đai. Đồng thời, cần nâng cao năng lực và yêu cầu trách nhiệm giải trình của cán bộ cơ quan quản lý đất đai ở cơ sở….

http://baocongthuong.com.vn