Quyết liệt cải cách hành chính thuế, hải quan hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển
- Thứ tư - 31/08/2016 08:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các chính sách, thủ tục về thuế và hải quan luôn được coi là mắt xích quan trọng nhất trong tiến trình cải cách cơ chế chính sách tài chính, thủ tục hành chính. Nguồn: internet
Đột phá trong cải cách hành chính thuế, hải quan
Trong những năm qua, có thể thấy, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, hải quan, đã được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế, lãnh đạo Tổng cục Hải quan thực hiện thường xuyên, liên tục theo Chiến lược cải cách được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt.
Đối với ngành Thuế là Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg ngày 17/5/2011. Quyết định số 2162/QĐ-BTC ngày 8/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược và “Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2015 và các đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020”.
Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, ngành Tài chính đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 19/NQ-CP qua các năm 2014, 2015 và 2016. Kết quả công tác cải cách về thể chế cũng như cải cách về TTHC có bước đột phá đáng kể, từ khâu chỉ đạo quyết liệt sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính đến khâu triển khai thực hiện tích cực, nhanh chóng của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan. Nỗ lực trong cải cách hành chính của ngành Tài chính đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN), người nộp thuế ghi nhận và đánh giá cao.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, đến hết năm 2015, ngành Thuế cơ bản đã hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải cách TTHC thuế. Theo đó, ngành Thuế đã giảm giờ nộp thuế của DN từ 537 giờ/năm (theo báo cáo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) xuống còn 117 giờ (chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 19/NQ-CP là không quá 121,5 giờ/năm theo mức bình quân của ASEAN- 6).
Việc triển khai dịch vụ khai, nộp thuế điện tử đã tạo sự chuyển đổi to lớn đối với DN, thành quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, đóng góp quan trọng cho tiến trình thực hiện Chính phủ điện tử.
- Việc triển khai dịch vụ khai thuế điện tử của cơ quan thuế được áp dụng thí điểm từ năm 2009, đến ngày 31/12/2014 có 97% DN khai thuế điện tử và đến 31/12/2015 đã có 98,95% DN khai thuế điện tử.
- Việc triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử được thực hiện mới từ tháng 10/2014, sau hơn 1 năm (31/12/2015) đã có khoảng 92% DN đăng ký nộp thuế điện tử.
Thông qua việc triển khai dịch vụ khai nộp thuế điện tử, ngành Thuế đã giảm số giờ nộp thuế, tiết kiệm chi phí đáng kể cho DN, cho xã hội. Theo tính toán của cơ quan thuế, nếu giảm số giờ nộp thuế trở thành hiện thực thì chúng ta có thể tính toán được khoản chi phí tiết kiệm khổng lồ cho DN hàng năm.
Hiện nay có 548.000 DN, giả dụ một DN phân công một nhân viên làm các công việc liên quan đến thuế; tiền công 1 giờ giả định là 30.000 đồng thì DN sẽ tiết kiệm được là 6.905 tỷ đồng = {30.000 đ x 420 giờ (537- 117) x 548. 000 DN}. Giả dụ tiền công cho nhân viên làm công tác thuế là 40. 000 đồng/giờ thì số tiền tiết kiệm lên tới 9.200 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do khảo sát, đánh giá của WB có độ trễ về thời gian 2 năm, nên theo báo cáo môi trường kinh doanh nói chung của Việt Nam năm 2016 so với báo cáo năm 2014 do WB công bố thì Việt Nam mới chỉ tăng được 3 bậc (từ xếp thứ hạng 93 lên 90). Riêng chỉ số chung về thuế (bao gồm thuế và các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc) tăng thứ hạng được 5 bậc (từ xếp thứ 173 lên 168). Trong đó, thời gian nộp thuế chỉ mới được ghi nhận giảm là 40 giờ.
Đối với ngành Hải quan, những năm qua, Ngành đã có những bước tiến đáng kể khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành động lực quan trọng của tiến trình này. Công tác quản lý Nhà nước về hải quan đã được chuyển hoàn toàn từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hải quan hiện đại dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Việc áp dụng hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình cải cách và phát triển của ngành Hải quan.
Ngành Hải quan đã triển khai hệ thống hải quan một cửa ổn định tại 34/34 Cục Hải quan địa phương và 171/171 chi cục trong phạm vi toàn quốc. Hệ thống thông quan tự động hoạt động ổn định đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại ở Việt Nam, hơn 99,65% số lượng tờ khai xuất nhập khẩu đã được thực hiện thông qua hệ thống này.
Với việc thông qua Luật Hải quan năm 2014 và ban hành các nghị định quy định chi tiết, các thông tư hướng dẫn thi hành đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trong để đẩy mạnh cải cách thủ tục, hiện đại hóa quản lý hải quan qua việc thay đổi phương thức thực hiện thủ tục hải qan truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử. Việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp giảm thời gian thông quan đối với luồng xanh xuống chỉ còn 3 giây.
Triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển với sự tham gia của 9 Bộ, Ngành, qua đó doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất và giảm được 10-20% chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời đã kết nối kỹ thuật Cơ chế hải quan một cửa ASEAN với một số nước trong khu vực.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/04/ 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2016 môi trường kinh doanh của Việt Nam bằng bình quân các nước ASEAN- 4 và đến năm 2020 bằng bình quân của các nước ASEAN - 3 (Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã ban Quyết định số 1134/QĐ-BTC về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP; Tổng cục Thuế ban hành Quyết định số 1033/QĐ-TCT ngày 08/06/2016 về Kế hoạch hành động của Ngành. Triển khai kế hoạch hành động này, 6 tháng đầu năm 2016 Tổng cục Thuế đã bãi bỏ 32 TTHC và đơn giản hóa 40 TTHC; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế về quản lý thuế. Tính đến ngày 30/6/2016 đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung 51/70 quy trình, quy chế. Tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế điện tử (đến 30/6/2016 đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đạt 99,47%)…
Tuy nhiên, việc cải cách TTHC thuế, triển khai nộp thuế điện tử, cắt giảm giờ nộp thuế trong các năm của ngành Thuế mới chỉ chủ yếu tập trung vào đối tượng người nộp thuế là pháp nhân, DN. Trong khi số lượng DN chỉ là 548.000 DN thì các hộ cá nhân kinh doanh lên tới trên 1,5 triệu hộ.
Các khoản thu thuế, phí từ hoạt động cho thuê tài sản, cho thuê nhà; lệ phí trước bạ nhà, đất, xe cộ… số thu không nhiều, nhưng thủ tục, hồ sơ kê khai nộp thuế vẫn còn thiếu thuận lợi. Số tiền thuế từ các hộ cá nhân kinh doanh chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số tiền thuế nộp NSNN nhưng phân bố nhân lực cán bộ thuế quản lý khu vực này lại chiếm tỷ trọng khá cao, trong lúc đó lại rất thiếu nguồn nhân lực cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro.
Mặt khác, trình độ nghiệp vụ, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ thuế quản lý các DN lớn, DN có vốn đầu từ nước ngoài được đánh giá có chất lượng cao hơn, tốt hơn, đồng đều hơn đối với cán bộ quản lý hộ kinh doanh cá thể.
Để hạn chế tình trạng này, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh triển khai đề án kê khai, nộp thuế điện tử và các hình thức nộp thuế khác như: nộp qua thẻ ATM, kết hợp việc thu thuế với các khoản thu dịch vụ khác (tiền điện, nước, cước điện thoại) đối với các hộ cá nhân kinh doanh, hoạt động cho thuê nhà, từ chuyển nhượng nhà đất (thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê, chuyển nhượng và lệ phí trước bạ đối với đăng ký quyền sở hữu, sử dụng), nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy.
Hiện nay, cơ quan thuế đang triển khai đề án kê khai, nộp thuế điện tử đối với cho thuê nhà, chuyển nhượng nhà đất và đề án về nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Đồng thời, triển khai ủy nhiệm thu thuế đối với hộ kinh doanh. Khi triển khai thành công cải cách TTHC thuế ở khu vực này, nguồn nhân lực đang quản lý DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể sẽ được chuyển sang tăng cường cho lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro về thuế.
Tất nhiên, công tác đào tào nguồn nhân lực đảm bảo cả yếu tố “hồng và chuyên” đã và đang được ngành Thuế quan tâm đẩy mạnh hơn để đáp ứng nhân lực cho công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế theo phương thức hiện đại, tiên tiến và phù hợp với thông lệ quốc tế…
Theo Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP thì phải giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6; thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Quyết định số 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/02/2016 yêu cầu năm 2016 phải: Giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng hoặc thấp hơn mức trung bình của các nước ASEAN-4. Giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày.
Cụ thể hóa, Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-TCHQ ngày 13/1/2016 về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của ngành Hải quan năm 2016.
Để Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại, cần hoàn thành và vận hành hiệu quả hải quan một cửa quốc gia, kết nối giữa Tổng cục Hải quan với các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Bộ đội Biên phòng ( Bộ Quốc phòng), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ...
Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); triển khai thành công cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; thực hiện việc kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan. Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, triển khai nâng cấp, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Hải quan để đảm bảo dịch vụ công của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 theo lộ trình của Bộ Tài chính.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016 , Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC năm 2016; niêm yết công khai 168 TTHC; rà soát 13 TTHC đối với loại hình sản xuất xuất khẩu, hàng phi mậu dịch, tạm nhập tái xuất; kiến nghị đơn giản hóa 07 thủ tục. Phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) thống nhất nội dung đơn giản hóa 60 thủ tục.
Để triển khai đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tổ chức làm việc với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan để rà soát, tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung nhằm rút ngắn thời gian thông quan. Tổng cục Hải quan cũng đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch thực hiện cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016-2020; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ được đẩy mạnh: Đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 73 TTHC là những thủ tục cốt lõi gồm thủ tục khai báo và thông quan hàng hóa, khai báo phương tiện vận tải đường biển, thanh toán thuế, phí.
Về hiện đại hóa công tác thu thuế, đơn giản thủ tục và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tính đến ngày 31/5/2016, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng điện tử với 28 ngân hàng, chiếm 90,1% tổng số thu NSNN của hải quan. Đồng thời, nâng cao tỷ trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 cho 46 TTHC trong năm 2016, nâng tổng số TTHC được cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 lên 119/168, chiếm 71%...
Với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm cao của lãnh đạo ngành Thuế, Hải quan cùng với những cải cách mạnh mẽ về thể chế, phương pháp quản lý hiện đại kết hợp với chương trình hành động cụ thể… tin tưởng rằng sự nghiệp đổi mới, cải cách hành chính thuế, hải quan sẽ thành công, góp phần tích cực nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số19/NQ-CP qua các năm 2014, 2015 và 2016;
2. Quyết định số 1033/QĐ-TCT ngày 08/06/2016 của Tổng cục Thuế;
3. Quyết định số 1134/QĐ-BTC ngày 23/5/2016 của Bộ Tài chính.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 8/2016