Quyết tâm đổi mới văn hóa khẩu hiệu!

Quyết tâm đổi mới văn hóa khẩu hiệu!
Đó là câu đúc kết mang tính trào phúng của các chuyên gia nói về tính bức thiết của việc phải thay đổi cách truyền tải thông điệp trong các băng-rôn, khẩu hiệu. Bởi hiện nay, những khẩu hiệu tuyên truyền xuất hiện khắp những ngõ ngách. Nhưng, những “thảm họa” khẩu hiệu xuất hiện tràn lan như: Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học!; Để có hai miếng bít-tết cần 15.000 lít nước; Ra sức thi đua thực hiện phong trào: Cả thành phố xây dựng nông thôn mới...


Ở một góc độ khác, những khẩu hiệu giao thông của những người trẻ lan truyền trên mạng (và sau được các tình nguyện viên mang xuống phố) lại được dư luận nhiệt thành hưởng ứng. Những câu nói ngắn, súc tích, minh họa thú vị như: Một nụ cười bằng mười tiếng còi xe; Phóng nhanh, xanh cỏ; Đội mũ bảo hiểm, ghi điểm với nàng... đã vô tình khiến nhiều người đặt mối tương quan so sánh tính hiệu quả của khẩu hiệu kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” này với bạt ngàn khẩu hiệu dài ngoằng treo trên đường phố.

PGS-TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình: Khẩu hiệu nhiều nhưng dân đọc bao nhiêu?

Từ thời chiến, khẩu hiệu là phổ biến để vực dậy tinh thần và phát động các phong trào. Theo tôi, từ thời đó đến nay, khẩu hiệu vẫn rất quan trọng để tuyên truyền, khích lệ cộng đồng hướng về một giá trị chung. Nhưng, khẩu hiệu treo ở những nơi công cộng của chúng ta hiện nay mắc quá nhiều lỗi sơ đẳng về ngôn ngữ.

Đầu tiên, mục đích của khẩu hiệu là truyền tải thông điệp ngay tức khắc, nên khẩu hiệu phải ngắn gọn, súc tích, gây ấn tượng. Song thực tế, khẩu hiệu của chúng ta quá dài dòng, dàn trải và nhiều khi mông lung, khó hiểu.

Quyết tâm đổi mới văn hóa khẩu hiệu!

Thứ nữa, để gây ấn tượng, khẩu hiệu cần có chiều sâu và mới mẻ. Nhưng về cơ bản, các khẩu hiệu của chúng ta đều mở đầu bằng: “Nhiệt liệt”; “Quyết tâm”; “Ra sức”; “Chào mừng”;... dẫn tới nhàm chán kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nên vai trò của khẩu hiệu không được phát huy.

Chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại nên việc khích lệ, tuyên truyền cũng cần tiếp cận bằng góc độ truyền thông hiện đại. Khẩu hiệu trong truyền thông hiện đại là slogan. Viết slogan để thu hút người xem, gây ấn tượng cho người xem không phải là chuyện đơn giản.

Tôi đã được nhiều công ty truyền thông nước ngoài mời làm cố vấn ngôn ngữ khi họ tiếp cận thị trường Việt Nam. Cùng với chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa họ còn làm điều tra xã hội rất kỹ đối tượng cần tiếp cận. Từ đó, họ thực hiện bài bản quá trình sáng tạo slogan sao cho hiệu quả nhất.

Ngoài chuyện nội dung, hình thức trình bày trong khẩu hiệu cũng dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười. Điển hình như khẩu hiệu: “Gia đình 2 con vợ” (xuống dòng) “chồng hạnh phúc”.

Ngược lại, tôi đánh giá rất cao dự án dùng những ngôn ngữ @ và vẽ minh họa của họa sĩ Thành Phong để tuyên truyền về an toàn giao thông. Các khẩu hiệu: Hà Nội không vội được đâu; Một giây liều mạng, chống nạng cả đời; Một người lấn làn, cả ngàn người khổ... đều rất thú vị khiến giới trẻ theo dõi và chia sẻ rất nhiều. Từ việc đọc, ngẫm nghĩ những “khẩu hiệu” thú vị này, phần nào người trẻ sẽ thay đổi về nhận thức, từ đó dẫn tới thay đổi về hành vi.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng song tôi nghĩ, chúng ta cần thay đổi ít nhiều cách thức làm khẩu hiệu nhìn từ hiện tượng của một dự án do những người trẻ thực hiện.

Quyết tâm đổi mới văn hóa khẩu hiệu!
Khẩu hiệu gây tranh cãi ở Bình Định trong thời gian gần đây

Dịch giả Lê Quang: Càng lạc hậu càng… nhiều khẩu hiệu!?

Tôi sống ở Đức mấy chục năm, sau đó, sống ở Cuba. Tôi đã quan sát và nghĩ tới chuyện khẩu hiệu rất nhiều. Tôi thấy, các nước càng lạc hậu, càng nhiều khẩu hiệu. Trong đó, có rất nhiều khẩu hiệu vô nghĩa và vô lý. Ví dụ, một vài khẩu hiệu gần đây tôi có đọc: “Tắt thuốc vì phụ nữ!”; “Kêu gọi hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái trong trận động đất ở Nepal!”. Theo những khẩu hiệu/biển hiệu này, đàn ông và người đồng tính, song tính và chuyển giới mặc nhiên phải hít khói thụ động thoải mái (?!). Và, hàng cứu trợ Nepal chỉ gửi tới phụ nữ và trẻ em gái. Đàn ông và người đồng tính, song tính và chuyển giới không nhận được hỗ trợ (?!).

Quyết tâm đổi mới văn hóa khẩu hiệu!

Thêm nữa, việc treo khẩu hiệu trên đường phố tệ đến mức người treo cũng chẳng quan tâm có ai đọc không, còn người dân đi đường chẳng thể đọc vì khẩu hiệu dài ngoằng chằng chịt khắp nơi.

Tôi nghĩ Việt Nam chưa suy nghĩ nghiêm túc về vai trò của copywriter (thuật ngữ truyền thông chỉ những người đảm trách những vấn đề liên quan tới ngôn ngữ trong PR) với việc viết khẩu hiệu. Trong các cơ quan truyền thông ở nước ngoài luôn có giám đốc sáng tạo. Họ điều phối copywriter nghĩ ra slogan, nghĩ ra các ngôn ngữ PR thích hợp. Nhưng Việt Nam không hề có điều này trong bộ máy hành chính công.

Vừa rồi, tôi có làm việc với Khoa PR của Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Được biết, một giảng viên trong trường đấu tranh rất lâu, khoa này mới được thành lập. Trước đó, chưa có đơn vị nào đào tạo bài bản về copywriting ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ta không thể mong khẩu hiệu tốt được.

Còn dự án các bạn trẻ xuống đường cầm những biểu ngữ mang ngôn ngữ teen để nhắc nhở ý thức giao thông, tôi rất trân trọng. Nhưng tôi không tin rằng chương trình có thể duy trì nếu không được “tiếp sức” tài chính kịp thời.

Quyết tâm đổi mới văn hóa khẩu hiệu!

Ngoài nội dung, cách trình bày cũng gây nên những câu chuyện dở khóc dở cười

Họa sĩ Thành Phong: Chọn cách tiếp cận mới với những vấn đề cũ

Tôi quan niệm khẩu hiệu là những ngắn gọn, dễ nhớ để truyền tải thông điệp tới nhóm đối tượng mình cần. Dự án “Nghĩ trước khi bấm còi” mục đích là để tuyên truyền an toàn giao thông tới những người trẻ. Và việc in thành khẩu hiệu rồi trưng ra đường cũng nằm ngoài kết hoạch của chúng tôi.

Tôi muốn đưa ra những câu nói vần kèm tranh chỉ để lan truyền trên mạng xã hội (vì tôi nghĩ đó là kênh truyền thông hiệu quả lúc này). Song sau đó, các bạn trẻ in to tranh, khẩu hiệu rồi mang ra các ngã tư tuyên truyền ý thức giao thông. Điều này truyền thông đưa tin tôi mới biết.

Quyết tâm đổi mới văn hóa khẩu hiệu!

Trong dự án, tôi thu thập các câu nói hóm hỉnh, ý nghĩa được cộng đồng đóng góp. Và tôi lựa chọn những câu phù hợp nhất để chuyển tải thành tranh. Trong các tranh của tôi, tôi chỉ muốn minh họa lại các câu nói dễ gần, dễ nhớ theo cách hài hước nhất để thông điệp được truyền tải mạnh nhất.

Ở thời điểm bắt đầu của dự án, chúng tôi đưa những thông điệp lên mạng để mọi người cùng xem, cùng đóng góp. Tôi nghĩ đây là cách thức truyền thông mới về vấn đề cũ. Vấn đề giao thông là vấn đề muôn thuở và những khẩu hiệu ngoài đường không được chú tâm nhiều.

Bằng phương tiện mạng xã hội, cách thể hiện mới (cách thể hiện bằng tranh và diễn đạt bằng các câu nói vần) nhiều người đón nhận nó rất vui vẻ. Và tôi tin, những thông điệp này phần nào sẽ tác động vào nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông, đặc biệt là người trẻ.

Theo TT&VH